Đầu giờ sáng nay (18-1), Thường trực Chính phủ đã họp, nghe các bộ Giao thông, Công an… báo cáo về tình hình các điểm nóng BOT trên toàn quốc. Trên cơ sở tham mưu các bộ, ngành, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã kết luận về các giải pháp chấn chỉnh.
Các nguồn tin độc lập cho biết để đi đến cuộc họp này, liên bộ Giao thông -Công an - Tài chính… đã khảo sát nhiều dự án BOT, bao gồm cả những nơi “êm đềm” và trạm thu giá phát sinh điểm nóng. Kết quả cho thấy tới nay đã có 52/58 trạm BOT công bố giảm giá với các mức khác nhau, trong đó cư dân trong khoảng cách 5 km trước và sau trạm được hưởng lợi nhiều nhất, thậm chí được miễn phí sử dụng công trình giao thông đã được nâng cấp, xây dựng mới.
Thời gian qua, nhiều trạm BOT bị người dân phản ứng gay gắt.
Với những nơi phát sinh điểm nóng, tổng hợp tình hình cho thấy thời điểm trước tháng 7-2017, một số trạm thu phí/giá từ miền Trung trở ra có hiện tượng người dân, lái xe phản ứng. Đây đó có việc tài xế sử dụng tiền lẻ, kéo dài thời gian trả tiền qua trạm, gây ùn ứ hoặc giăng băng rôn phản đối… Một số giải pháp đã được Bộ Giao thông phối hợp với địa phương triển khai, trong đó chủ yếu là tính toán, đàm phán với chủ đầu tư để giảm giá, tăng cường tuyên truyền, thuyết phục, răn đe người có hành vi quá khích. Sau thời gian ngắn, tình hình ổn định trở lại.
Tuy nhiên, sau thời điểm này thì bùng phát các cuộc phản ứng ở một số trạm BOT phía Nam, điển hình là dự án đường tránh kết hợp nâng cấp quốc lộ 1A qua thị xã Cai Lậy. Bộ Công an đánh giá các vụ việc sau này có biểu hiện của yếu tố kích động, lôi kéo có tổ chức.
Về nguyên nhân, các cơ quan chức năng xác định đầu tiên là tâm lý tự nhiên của người dân, từ việc sử dụng hạ tầng giao thông không phải đóng phí, mua vé sang có thu tiền. Dù chất lượng cầu đường cải thiện, giao thông tốt hơn, ít tai nạn hơn nhưng một số người dân vẫn phản ứng. Nguyên nhân thứ hai là hành lang pháp lý cho BOT giao thông còn thiếu, trong quá trình triển khai các dự án còn một số hạn chế, yếu kém, bất cập, sai sót. Ba là có sự lôi kéo, kích động từ phần tử quá khích, gây rối. Và đáng lo ngại là có những hành vi vi phạm lặp đi lặp lại, kéo dài mà không được các cơ quan chức năng, đặc biệt là địa phương xử lý nghiêm khắc.
Để chấn chỉnh hoạt động của các dự án BOT giao thông, khắc phục, ngăn chặn các biểu hiện bất thường tại các trạm thu giá, các cơ quan tham mưu đề xuất Thủ tướng một loạt giải pháp.
Thứ nhất, tiếp tục quyết toán các dự án BOT đã đi vào vận hành; triển khai các biện pháp kiểm soát, giám sát lưu lượng xe. Đáng chú ý, Bộ Giao thông cùng các chủ đầu tư sẽ đàm phán với các ngân hàng cấp tín dụng để tính toán giảm lãi suất. Với tình hình kinh tế vĩ mô hiện nay khá ổn định, các điều khoản lãi suất cho vay đầu tư BOT giao thông có thể điều chỉnh, tạo dư địa cho điều chỉnh giảm giá qua các trạm thu phí.
Thứ hai, về mặt kỹ thuật, các trạm BOT cân nhắc mở, tách làn xe ưu tiên, xe sử dụng vé tháng hoặc soát vé tự động để đảm bảo lưu thông cho đối tượng này. Nghiên cứu các biển báo phù hợp tại khu vực trước trạm, qua đó báo hiệu, phân luồng từ xa, giảm nguy cơ ùn tắc. Tổng cục Đường bộ lập đường dây nóng tiếp nhận phản ánh của người dân, tài xế về chất lượng các công trình BOT giao thông, các vấn đề phát sinh từ hoạt động của các trạm soát vé để phát hiện, nhắc nhở chủ đầu tư làm đúng trách nhiệm của mình.
Thứ ba, Bộ Công an chỉ đạo lực lượng chức năng các địa phương phát hiện, đấu tranh, xử lý nghiêm với các đối tượng kích động, lôi kéo, có hành vi gây cản trở giao thông khu vực các trạm BOT.
Thứ tư, tăng cường truyền thông, đảm bảo thông tin chính xác về hình thức đầu tư PPP/BOT phát triển hạ tầng giao thông. Bộ Giao thông quảng bá mạnh trang web thông tin về hợp tác công tư PPP. Chính phủ sớm có thông điệp rõ ràng cho vấn đề nóng bỏng này.
Trên tinh thần đó, 17 giờ chiều nay, Bộ GTVT sẽ tổ chức họp báo với sự tham gia của đại diện một số cơ quan liên quan, chính thức thông báo kết luận của Thủ tướng về vấn đề nóng bỏng này. Chúng tôi sẽ cập nhật thông tin buổi họp báo này.
Liên quan đến các dự án BOT, sáng cùng ngày, tại cuộc họp tổng kết ngành GTVT, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ GTVT cần tiếp tục tập trung xử lý bất cập trong các dự án BOT. Theo Phó Thủ tướng, đây là vấn đề lớn nên Bộ GTVT cần rà soát tổng thể các dự án BOT, đặc biệt là xác định tổng mức đầu tư “thực” của dự án. Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng giao Bộ GTVT xem xét giá phí để đảm bảo được lợi ích của người dân, doanh nghiệp và Nhà nước. “Nếu cao quá thì người dân không chịu được, thấp doanh nghiệp không chịu được… Như vậy, cuối cùng ai là người thiệt hại? Đó chính là Nhà nước, bởi Nhà nước không có công trình, cuối cùng toàn dân bị thiệt” - Phó Thủ tướng nói. Về vị trí trạm BOT, Phó Thủ tướng chỉ đạo sớm công khai cho người dân biết, đồng thời các cơ quan truyền thông cần vào cuộc để ủng hộ cái đúng, để lập lại trật tự của các trạm BOT. Mục đích là đáp ứng nhu cầu phát triển, đặc biệt thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tuy nhiên phải đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên. |