Văn phòng Chính phủ vừa thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ về việc đồng ý để TP Hà Nội lập đề án thu phí phương tiện vào nội đô.
Sẽ thu phí xe tại một số tuyến phố nội thành
Theo đó, Chính phủ đồng ý với các đề nghị của Bộ Tài chính về các nội dung mà Hà Nội đề xuất liên quan đến bổ sung phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực nội thành có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường cao.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu UBND TP Hà Nội tiếp thu các ý kiến của Bộ Tài chính để lập “Đề án thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn TP có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới” - trình HĐND TP Hà Nội trước khi báo cáo Chính phủ theo đúng quy định tại Luật Phí và Lệ phí.
UBND TP Hà Nội báo cáo Bộ Tài chính về cơ sở pháp lý, sự cần thiết, nội hàm và tác động của khoản phụ thu ô nhiễm môi trường theo mức khí thải khi lưu hành của phương tiện cơ giới đường bộ.
Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Tài chính nghiên cứu kiến nghị của UBND TP Hà Nội, chủ trì phối hợp với Bộ TN&MT, Bộ GTVT khẩn trương hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành nghị định về phí bảo vệ môi trường đối với khí thải.
Theo lộ trình thực hiện đề án thu phí phương tiện giao thông vào nội đô, hàng triệu ô tô, xe máy phải trả tiền khi đi vào các tuyến đường hạn chế phương tiện trong nội thành Hà Nội.
Hà Nội đề xuất gì?
Trước đó, vào ngày 28-8, UBND TP Hà Nội đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định của pháp luật để phù hợp với tình hình thực tế làm cơ sở thực hiện đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2030”.
Theo UBND TP Hà Nội, đề án đã được HĐND TP Hà Nội thông qua hồi tháng 7-2017 với mục tiêu thực hiện các giải pháp lâu dài, cấp bách để tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu đi lại và nâng cao chất lượng môi trường sống của người dân trên địa bàn TP.
Đề xuất của Hà Nội tập trung vào hai nội dung lớn gồm:
Thứ nhất là thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn TP có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào. Trong đó, đối tượng thu phí là những phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đi vào vùng hạn chế phương tiện giao thông. Phạm vi thu phí tập trung vào khu vực, tuyến đường thuộc nội thành cần hạn chế phân vùng hoạt động của xe cơ giới. Mức phí thu được xác định theo nguyên tắc mức thu phí cơ bản để bù đắp một phần chi phí phục vụ đảm bảo trật tự, an toàn giao thông tại khu vực hạn chế phương tiện giao thông.
UBND TP Hà Nội cho biết tại danh mục phí, lệ phí (ban hành kèm theo Luật Phí và Lệ phí năm 2015 không có tên khoản “Phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn TP có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường”. Vì vậy để có cơ sở xây dựng, triển khai đề án cần bổ sung khoản phí này vào danh mục kèm theo Luật Phí và Lệ phí năm 2015.
Thứ hai là Hà Nội đề xuất quy định mức phụ thu ô nhiễm môi trường theo mức khí thải lưu hành của phương tiện xe cơ giới đường bộ thông qua đăng kiểm phương tiện. Theo UBND TP Hà Nội, hiện mức độ gia tăng phương tiện trên địa bàn đã ở mức báo động, nguy cơ gây ùn tắc và ô nhiễm nghiêm trọng. Dự báo đến năm 2020, Hà Nội sẽ có gần 850.000 ô tô, gần 6,1 triệu xe máy; đến năm 2030 ô tô gần 2 triệu xe, xe máy khoảng 7,5 triệu xe. Tuy nhiên, hiện nay việc “Quy định mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng các khoản phí” và “phí bảo vệ môi trường đối với khí thải” (phụ lục kèm theo Luật Phí và Lệ phí) đều thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Do đó, Hà Nội đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét giao các bộ, ngành liên quan xây dựng, trình Chính phủ ban hành các văn bản hướng dẫn thu phí làm cơ sở cho các địa phương thực hiện.