Chống COVID-19: Kiên quyết truy tìm và thực hiện cách ly

Sáng 11-3, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 đã họp triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo, chủ trì cuộc họp.

Bắt buộc hành khách phải đeo khẩu trang từ đầu chuyến bay 

Tại cuộc họp này, các thành viên thống nhất phải kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh vào Việt Nam (VN). Theo đó, mọi trường hợp nhập cảnh vào VN, bao gồm cả người VN từ nước ngoài trở về đều phải khai báo y tế bắt buộc. Nếu khai báo gian dối sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Đại diện Bộ Ngoại giao nhấn mạnh công dân nước ngoài nhập cảnh vào VN vừa phải tuân thủ quy định của luật pháp quốc tế, vừa phải tuân thủ pháp luật VN. Do đó, nếu người nước ngoài vào VN mà không tuân thủ yêu cầu khai báo y tế thì theo quy định của VN về kiểm soát dịch bệnh, họ sẽ phải chịu các hình thức xử phạt, kể cả hình sự.

Để ngăn chặn dịch bệnh từ đường hàng không, các hãng hàng không Việt cần quy định bắt buộc hành khách phải đeo khẩu trang ngay từ đầu, trong suốt quá trình bay. Khi làm thủ tục nhập cảnh ở các cảng hàng không, khách bay cũng phải đeo khẩu trang. 

Đối với các hãng hàng không nước ngoài, VN cần có khuyến nghị mạnh mẽ. Khi hành khách đã vào cảng hàng không làm thủ tục nhập cảnh thì bắt buộc phải đeo khẩu trang. Các cảng hàng không sẽ phát khẩu trang miễn phí cho hành khách.

Các thành viên ban chỉ đạo cũng đề xuất các giải pháp quản lý chặt chẽ khách quá cảnh, yêu cầu các cảng hàng không quốc tế bố trí khu riêng phục vụ cho đối tượng này trong thời gian nghỉ ngơi, mua sắm đồ lưu niệm. Trong lúc chờ bay thì không cho nhập cảnh với khách nếu thuộc diện nghi ngờ, tuổi cao có bệnh nền, người có triệu chứng dịch tễ… Các trường hợp còn lại muốn nhập cảnh thì phải khai báo y tế bắt buộc…

Ngoài ra, Bộ GTVT khuyến nghị tài xế các phương tiện giao thông công cộng, đặc biệt là tài xế taxi, phải đeo khẩu trang và yêu cầu hành khách đeo khẩu trang…

Một người Hàn Quốc được cách ly, chăm sóc ở khu cách ly quận 2, TP.HCM. Ảnh: HL

Kiên quyết thực hiện cách ly tập trung

Ban chỉ đạo thống nhất tiếp tục kiên định thực hiện cách ly tập trung 14 ngày và đề nghị cơ quan chức năng hướng dẫn, tập huấn cụ thể cho các địa phương về giảm mật độ cách ly, công tác tổ chức cách ly tại cộng đồng.

Đến nay, Bộ Y tế đã có văn bản hướng dẫn về giảm mật độ cách ly. Theo đó, người đang cách ly tập trung, sau ba ngày mà xét nghiệm âm tính thì có thể chuyển về cách ly tại cộng đồng, giám sát chặt chẽ, đồng thời tiến hành lập hồ sơ sức khỏe điện tử. Cấp ủy, chính quyền địa phương có trách nhiệm chỉ đạo kiểm tra, giám sát...

Tại Hậu Giang, hàng loạt cán bộ đang phải cách ly ở nhà vì COVID-19. Cụ thể, bà ĐTBP (một lãnh đạo Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tỉnh Hậu Giang) đang cách ly tại nhà vì người này đi dự một hội nghị ở Hà Nội về. Cùng đó, một phó chủ tịch UBND tỉnh và phó giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh này cùng 12 người khác cũng đang cách ly tại nhà.

Chiều cùng ngày, lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Long An cho biết Khoa nhiễm BV đa khoa tỉnh Long An vừa cách ly tập trung một thanh niên 23 tuổi từ Nhật Bản trở về. Người được cách ly là anh BQT (23 tuổi, ngụ huyện Tân Thạnh, Long An, nghề nghiệp là công nhân). Trước đó, vào ngày 6-3, anh T. nhập cảnh bằng đường hàng không trên chuyến bay VN321 từ Osaka Kansai (Nhật Bản) xuống sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM.

Cũng trong chiều 11-3, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM ra thông báo tìm khẩn cấp hành khách người Anh có tiếp xúc gần với ca dương tính COVID-19 trên chuyến bay VN0054.

Tối cùng ngày, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế TP.HCM xác nhận hành khách này đã về nước.

Tạm dừng miễn thị thực đối với công dân tám nước châu Âu

Trước những diễn biến ngày càng phức tạp, lây lan nhanh và trên diện rộng của dịch COVID-19 trên toàn thế giới, để tăng cường phòng, chống không để dịch bệnh lan rộng trong cộng đồng, chính phủ VN quyết định tạm dừng thực hiện chính sách miễn thị thực đơn phương đối với công dân các nước Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan, Thụy Điển, Anh, Đức, Pháp và Tây Ban Nha, áp dụng từ 0 giờ 0 phút  ngày 12-3.

VN đã thông báo quyết định này cho các quốc gia nói trên và sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các nước, các tổ chức và đối tác quốc tế trong việc phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh.

Trước đó, từ 0 giờ ngày 3-3, VN đã tạm ngừng miễn thị thực cho công dân Ý và tạm dừng việc đơn phương miễn thị thực đối với công dân Hàn Quốc bắt đầu từ 0 giờ ngày 29-2. Đây là những biện pháp tạm thời nhằm phòng, chống, ngăn chặn sự bùng phát, lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, bảo đảm an toàn, sức khỏe cho người dân.

Nam hướng dẫn viên du lịch tại Hà Nội là ca nhiễm thứ 39

Bộ Y tế đã công bố ca bệnh nhiễm COVID-19 thứ 39 tại VN. Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho hay bệnh nhân trú tại địa bàn quận này là hướng dẫn viên du lịch cho khách người Anh trên chuyến bay VN0054.

Như vậy, kể từ ngày 6-3 đến nay, VN đã xuất hiện thêm 23 ca bệnh mới, nâng tổng số ca bệnh tại VN lên 39.

Các bệnh nhân có thể coi thuộc những nhóm: Từ Hàn Quốc: BN18; từ Anh trên chuyến VN0054: BN17 và hai người bị lây từ cô gái này, BN21; 11 du khách nước ngoài (từ số 22 đến 31, 33), BN 35; BN 39 bị lây; từ Anh trên máy bay riêng: BN 32; từ Mỹ: BN 34 và ba ca kéo theo là 36, 37, 38. 

Virus SARS-CoV-2 ở Việt Nam đã biến chủng

Hiện virus SARS-CoV-2 đã biến đổi gen, thành bốn biến chủng, khác với virus được phát hiện tại Vũ Hán, Trung Quốc - điểm khởi phát của dịch bệnh toàn cầu này.

Tại VN, so sánh diễn tiến lâm sàng bệnh nhân số 17 và bệnh nhân số 20 lây nhiễm từ bệnh nhân số 17 cho thấy có biểu hiện viêm phổi rõ nét (bao gồm viêm phổi kẽ), biểu hiện bệnh nặng hơn so với bệnh nhân đến từ Anh (có triệu chứng mờ nhạt). 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm