Tại cuộc họp báo tại Geneva (Thụy Sĩ) ngày 1-4 (giờ địa phương) về đại dịch COVID-19, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus thông tin: “Trong năm tuần qua, các ca nhiễm bệnh đã gia tăng theo cấp số nhân và trong một tuần thì ca tử vong đã tăng hơn gấp đôi”. Người đứng đầu WHO đưa ra dự báo rất u ám: Trong vài ngày tới, số ca nhiễm sẽ vượt mốc một triệu người với 50.000 ca tử vong trên toàn thế giới.
Mỹ đối mặt với nhiều vấn đề
Thử tưởng tượng mỗi sáng thức dậy và đọc số thống kê, người điềm tĩnh nhất cũng phải giật mình vì số người chết do dịch tại phương Tây tính bằng phút. Ví dụ tại Mỹ, vào ngày 1-4 (giờ Việt Nam), cứ khoảng 2 phút là có một người chết vì COVID-19. Chỉ một ngày sau đó, số người chết tiếp tục tăng chóng mặt, trung bình cứ hơn 1 phút lại có một người tử vong. Điều này hoàn toàn trái ngược với những thông báo lạc quan từ Nhà Trắng, hoặc thông tin trên trang Twitter cá nhân của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Không nghi ngờ gì về năng lực của Mỹ trong phân phối hàng hóa, dịch vụ cao cấp khắp thế giới; sự hiện diện của khái niệm “chuẩn mực kiểu Mỹ”, “giấc mơ Mỹ” trên toàn cầu; cùng với đó là sự có mặt của quân đội, công nghệ Mỹ trên khắp thế giới ở cả trên bộ, trên biển, trên không và trong lòng đất. Những thành tố này tạo ra quyền lực, góp phần hình thành vị thế lãnh đạo thế giới của Mỹ.
Tuy nhiên, đó chưa phải là tất cả. Điều quan trọng nhất của một nhà lãnh đạo thế giới là có thể hiện diện, điều phối các nguồn lực nội địa và quốc tế, giám sát và phối hợp hành động để giải quyết khủng hoảng một cách hiệu quả. Mặc dù thế giới có Liên Hiệp Quốc, WHO và các thể chế đa phương khác nhưng suy cho cùng, vai trò lãnh đạo của Mỹ là không thể chối bỏ. Tiếc thay, đại dịch COVID-19 đã cho thấy nước Mỹ đang đối mặt với nhiều vấn đề.
Tạp chí Foreign Affairs cho biết lượng khẩu trang ở Mỹ chỉ đáp ứng 1% nhu cầu 3,5 tỉ cái mà Mỹ cần, trong khi lượng máy thở chỉ đáp ứng 10% nhu cầu chống dịch. Thuốc men cũng là vấn đề của Mỹ khi phần lớn nhập khẩu từ Trung Quốc (TQ). Điển hình, thị phần kháng sinh của TQ tại Mỹ chiếm trên 95%. Ngày 1-4, Bộ Quốc phòng Nga triển khai máy bay chở thiết bị y tế và khẩu trang sang Mỹ để giúp Washington chống dịch COVID-19. Trong khi đó, người đồng sáng lập tập đoàn Alibaba đình đám của TQ là Jack Ma đã hứa gửi một triệu khẩu trang và 500.000 bộ xét nghiệm đến Mỹ.
Khi đại dịch Ebola bùng phát năm 2014, Washington lãnh đạo liên minh hàng chục nước để hành động chống dịch. Trong khi đó, trước COVID-19, nước Mỹ không thể hiện được vai trò khi đồng minh châu Âu bị dịch tấn công dồn dập.
Nhân viên xét nghiệm COVID-19 làm việc tại San Francisco, California, Mỹ. Ảnh: AFP
Trung Quốc tranh thủ định hình lại thế giới
Trước đại dịch, cuộc đua Mỹ-TQ nhằm định hình trật tự thế giới đã được thừa nhận rộng rãi. Trong khi ông Trump hô khẩu hiệu “nước Mỹ trên hết” và rút chân ra khỏi nhiều tổ chức đa phương thì Chủ tịch TQ Tập Cận Bình mở rộng “Một vành đai, một con đường” sang tận châu Âu.
Khi thế cù cưa giữa Mỹ và TQ đang căng thẳng, dịch COVID-19 ập đến. Xuất phát từ Vũ Hán hồi tháng 11 năm ngoái, TQ liên tục đón nhận khủng hoảng vào tháng 1 và tháng 2-2020 khi số ca nhiễm và tử vong tăng báo động. Mọi thứ gần như tê liệt, từ các nhà máy đến trường học, công sở, ngân hàng… Bắc Kinh chật vật trong việc phong tỏa, cách ly, giãn cách xã hội để chống dịch.
Các nhà khoa học TQ đang nghiên cứu một loại vaccine ngừa COVID-19 và kết quả của các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn đầu ở các điểm nóng tại nước ngoài sẽ được thông báo sau đó trong tháng này. Báo South China Morning Post |
Phương Tây, trong đó có Mỹ, từng chỉ trích TQ về vấn đề minh bạch thông tin vì nghi ngờ Bắc Kinh che giấu dữ liệu. Thậm chí TQ từ chối sự giúp đỡ từ Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ, hạn chế sự can thiệp từ WHO. Tuy nhiên, việc kiểm soát được dịch và làm giảm tối đa số ca nhiễm, tử vong tại TQ vào tháng 3 đã khiến thế giới có cái nhìn khác.
Trong khi các ổ dịch ở châu Âu và Mỹ bùng phát mạnh, mô hình chống dịch kiểu TQ bắt đầu được truyền thông rộng rãi. Phong tỏa, cách ly, giãn cách xã hội mà TQ áp dụng - vốn không được ưa chuộng ở các nền dân chủ phương Tây - đã được nhắc đến như chìa khóa thành công trong việc chống dịch. Thành công của TQ thậm chí còn được các chính trị gia phương Tây nhắc đến như những bài học quan trọng khi đất nước họ đang loay hoay trước bờ vực vỡ trận.
Rõ ràng TQ đang tìm cách định hình “chuẩn mực kiểu TQ” chứ không phải kiểu Mỹ hay kiểu châu Âu trong chống đại dịch và thế giới dường như đã quên những tranh cãi về thảm họa xuất phát từ Vũ Hán. Dù muốn thừa nhận hay không thì hiện nay các nước phương Tây cũng đã học tập ít nhiều cách chống dịch của Bắc Kinh. Thậm chí khi Mỹ lúng túng xử lý dịch bệnh lan rộng, TQ đã tận dụng cơ hội hiện diện tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ để thể hiện vai trò quốc tế thông qua các chương trình viện trợ.
Trung Quốc gia tăng viện trợ y tế cho các nước chống dịch Khi không có nhà nước châu Âu nào lên tiếng về nhu cầu khẩn cấp của Ý về thiết bị y tế khi dịch bùng phát, TQ đã cam kết gửi 1.000 máy thở, hai triệu khẩu trang, 100.000 mặt nạ phòng độc, 20.000 bộ quần áo bảo hộ và 50.000 bộ xét nghiệm dịch. TQ cũng cử các đội y tế và gửi 250.000 khẩu trang đến Iran. Tổng thống Serbia khi nhận viện trợ từ TQ đã tuyên bố cái gọi là “tình đoàn kết châu Âu” chỉ là chuyện cổ tích, khẳng định “quốc gia duy nhất có thể giúp chúng ta là TQ”. Trong khi đó, tỉ phú Jack Ma đã hứa gửi cho mỗi nước trong tổng số 54 nước ở châu Phi 20.000 bộ xét nghiệm, 100.000 khẩu trang. |