Ngày 14-2, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Tâm Tiến, Giám đốc Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 (chủ đầu tư dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng), cho biết: “Hiện nhà đầu tư và cơ quan chức năng liên quan, UBND TP đang dần tháo gỡ từng nút thắt khó khăn để khi dự án tái khởi động có thể được chạy một cách thuận tiện, trơn tru nhất, nhằm đẩy nhanh dự án về đích đúng hẹn”.
Dần tháo gỡ các nút thắt
Về thời gian khởi động lại cụ thể, theo ông Tiến, công nhân hầu hết đã về quê ăn Tết nguyên đán. Bên cạnh đó, lực lượng lao động chính trong ngành xây dựng lại thường đến từ các tỉnh thuộc khu vực miền Trung, miền Bắc. Đây là thời điểm cận sau Tết và thường qua rằm tháng Giêng công nhân mới bắt đầu vào làm việc trở lại. Do vậy, dự án chưa thể khởi động ngay vào thời điểm này.
Tuy nhiên, ông Tiến thông tin từ trước Tết, các công việc chuẩn bị tái khởi động đã được xúc tiến, nhà đầu tư chỉ chờ đợi các công nhân về quê ăn Tết vào đầy đủ là tiến hành công việc. Và trong vòng hơn 10 ngày nữa, dự án có thể tái khởi động.
Ngoài ra, người đứng đầu Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 khẳng định TP đang rất quyết liệt cùng nhà đầu tư giải quyết các vấn đề khúc mắc còn lại. Trong đó, UBND TP đã có chỉ đạo Sở NN&PTNT rà soát, thẩm định nhanh các vấn đề liên quan về thủ tục của dự án. Đồng thời chỉ đạo Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP xác nhận khối lượng dở dang còn lại và giải ngân, thanh toán cho nhà thầu để tháo gỡ những khó khăn.
Tuy nhiên, chủ đầu tư dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng này cho hay còn một khó khăn khác đó là vấn đề mặt bằng. Theo chủ đầu tư, hiện nay sáu quận, huyện mà dự án đi qua thì quận 1, quận 4 không vướng mặt bằng, còn lại là quận 7, quận 8, huyện Nhà Bè, Bình Chánh vẫn còn vướng vấn đề giải phóng mặt bằng.
“Trước đây, để có được khối lượng 72% dự án, trong lúc chờ TP bàn giao mặt bằng, để đảm bảo tiến độ thi công một số hạng mục, chúng tôi phải thuê đất của người dân để làm. Có thể nói hầu hết người dân đa phần ủng hộ dự án nên vấn đề mặt bằng có lẽ cũng không có gì khó khăn” - ông Tiến phân tích.
Ngập do triều cường trên đường Huỳnh Tấn Phát, quận 7, TP.HCM. Ảnh: K.CƯỜNG
Cố gắng hoàn thành cuối năm 2019
“Với điều kiện UBND TP giao mặt bằng sớm thì nhà đầu tư, nhà thầu cùng anh em công nhân sẽ cố gắng đẩy hết khả năng để có thể đến hết năm 2019 sẽ hoàn thành công trình” - ông Tiến nhận định.
Ông Tiến giải thích thêm: Thời điểm tạm ngưng thi công các hạng mục thì hầu hết công trình đã thi công xong phần móng và duy trì công tác đảm bảo an toàn. Dự án đã hoàn thành 72% khối lượng công việc và sẽ được đẩy nhanh tiến độ ngay khi có mặt bằng sạch.
Theo lãnh đạo chủ đầu tư, nếu theo đúng tiến độ thì đến cuối năm nay, người dân thuộc khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TP.HCM có thể sẽ vơi bớt được nỗi lo phần nào về triều cường, nỗi ám ảnh lớn của người dân TP. Tuy nhiên, để giải quyết triệt để bài toán chống ngập, TP.HCM còn rất nhiều việc phải làm để ngăn mưa, ngăn triều, thoát nước đô thị… chứ không chỉ riêng dự án 10.000 tỉ đồng này.
Về bài toán trên, GS Nguyễn Ân Niên thuộc Hội Khoa học và Thủy lợi TP.HCM cho rằng: Trường hợp ngập do triều cường được kiểm soát bằng những dự án trong quy hoạch 1547 đã được phê duyệt thì vẫn cần lưu ý việc nâng cao độ mặt đường trong xây dựng và các lý do khác.
“Ngập ở TP thì ngoài lũ, triều cường, mưa lớn, hệ thống thoát nước cũ… còn có nguyên do tác động của con người nảy sinh trong sinh hoạt, thiết kế và xây dựng các công trình” - GS Niên nêu quan điểm.
Diện tích TP.HCM là hơn 2.000 km2, trong đó hơn 1.330 km2 (63%) có cao độ dưới 1,5 m là nơi có địa hình thấp, chịu tác động trực tiếp từ triều biển Đông nên thường xuyên xảy ra tình trạng ngập. Dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) nhằm kiểm soát ngập do triều cường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 570 km² và khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TP.HCM. Theo đó, dự án sẽ xây dựng các cống ngăn triều trên các kênh rạch để ngăn triều xâm nhập vào trung tâm TP, nhằm tăng cường tối đa, phát huy hệ thống thoát nước đô thị. Dự án được khởi công vào giữa năm 2016 và dự kiến hoàn thành sau ba năm. Tuy nhiên, vào cuối tháng 4-2018, Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 bất ngờ có thông báo tạm ngưng thi công. Lý do là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - Chi nhánh Sài Gòn đã dừng giải ngân nên công ty không có kinh phí để tiếp tục thi công. |