Chương trình bình ổn thị trường góp phần ổn định giá cả, kiềm chế lạm phát

(PLO)- Chương trình bình ổn thị trường góp phần minh bạch thị trường hàng hóa, hạn chế và dần triệt tiêu tình trạng tung tin đồn thất thiệt, đầu cơ, găm hàng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 29-12, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị tổng kết 20 năm thực hiện Chương trình Bình ổn thị trường giai đoạn 2002 - 2022, định hướng giai đoạn 2022 - 2032 trên địa bàn TP.

Theo báo cáo của UBND TP.HCM, chương trình triển khai hiệu quả, đồng bộ các nhóm giải pháp, đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa; hình thành các chuỗi cung ứng tối ưu; phát triển đồng bộ hệ thống phân phối; kiểm soát hiệu quả thị trường; xử lý, ngăn chặn kịp thời các hiện tượng khan hàng, sốt giá. Đơn cử như dịch cúm gia cầm năm 2003, sốt giá gạo năm 2008, sốt giá trứng gia cầm năm 2013, sốt giá đường năm 2014…

Qua đó góp phần ổn định giá cả, kiềm chế lạm phát, chỉ số CPI của TP thường xuyên ở mức thấp hơn bình quân cả nước.

Bên cạnh đó, chương trình góp phần minh bạch thị trường hàng hóa, hạn chế và dần triệt tiêu tình trạng tung tin đồn thất thiệt, đầu cơ, găm hàng. Từ đó thúc đẩy phát triển hoạt động thương mại, kích cầu tiêu dùng.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại hội nghị.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại hội nghị.

Ở góc độ doanh nghiệp, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM, cho biết chương trình đem lại lợi ích thiết thực cho người dân mua được hàng hóa chất lượng, giá cả ổn định nhất là những dịp lễ, Tết... Song song đó, các DN ngành thực phẩm tham gia bình ổn từ ngày đầu đến nay không có đơn vị nào rời khỏi và DN tham gia ngày càng tăng.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, 20 năm là chặng đường không quá dài nhưng đủ để khẳng định một chương trình góp phần xây dựng thương hiệu của TP.HCM.

“Chúng tôi xin tri ân những đồng chí lãnh đạo đã sáng tạo ra chương trình và rất trăn trở nuôi dưỡng phát triển chương trình. Chúng tôi trân trọng cảm ơn các cơ quan tham gia và đặc biệt là các DN những người tham gia từ đầu. Như lãnh đạo Hội Lương thực thực phẩm cho biết từ đầu chương trình bình ổn đến nay chỉ có DN tham gia thêm chứ không ai bỏ chương trình, rất mừng và mong thời gian tới các DN tích cực tham gia” - ông Mãi nói.

Chương trình bình ổn thị trường đem lại lợi ích thiết thực giúp người dân mua hàng hóa với giá ổn định.

Chương trình bình ổn thị trường đem lại lợi ích thiết thực giúp người dân mua hàng hóa với giá ổn định.

Theo Chủ tịch UBND TP, thời gian tới, khi triển khai Chương trình BOTT giai đoạn 2022 -2032, TP có ban hành quy chế đã lấy ý kiến chuyên gia, lãnh đạo, DN…Quá trình tổ chức thực hiện sẽ tiếp tục điều chỉnh với tinh thần làm sao các bên tham gia phát huy tối đa thế mạnh của mình, nhằm đóng góp cho thành công của chương trình.

TP tiếp tục phối hợp với các tỉnh, thành địa phương hình thành các vùng chuyên canh đảm bảo các tiêu chuẩn, điều kiện về an toàn thực phẩm gắn với sản xuất, lưu thông hàng hóa.

“Không chỉ đơn giản liên kết vùng nguyên liệu, đây là sự liên kết chặt chẽ giữa TP với các địa phương ở tất cả các khâu từ sản xuất chế biến, lưu thông hàng hóa, kết nối về cơ chế chính sách… TP chủ động và mong muốn các địa phương cùng giúp triển khai” - ông Mãi nói.

Ông Mãi đề nghị các cơ quan liên quan tiếp tục tham mưu làm sao có những cơ chế chính sách đủ lớn, đủ mạnh để hỗ trợ DN, điều phối hoạt động này tốt hơn.

“Những ngày giáp Tết, nhiều mặt hàng thiết yếu LTTP được DN bình ổn tung ra với giá thấp hơn thị trường thì lúc này những người lao động, sau khi được nhận lương, thưởng, thanh toán hết các khoản nợ nần…chuẩn bị Tết sẽ mua được giá hợp lý. Việc này rất có ý nghĩa. Có thể chỉ là một, hai triệu đồng trong gói mua sắm nhưng niềm vui rất lớn là người lao động có được cái Tết tươm tất. Chúng tôi mong muốn các DN tiếp tục phát huy lan tỏa giá trị này” - ông Mãi nhấn mạnh.

Chương trình bình ổn thị trường triển khai từ năm 2002. Đến nay có 69 DN và 12 tổ chức tín dụng tham gia chương trình.

Từ nguồn vốn ngân sách 45 tỉ đồng, năm 2002 doanh thu chương trình đạt 344 tỉ đồng. Từ năm 2013, Thành phố không còn ứng vốn ngân sách, doanh thu đạt 13.242 tỉ đồng, đến năm 2022 doanh thu dự kiến đạt 22.355 tỉ đồng. TP.HCM hiện có 10.983 điểm bán hàng bình ổn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm