Đã một tháng từ khi áp dụng các biện pháp kiểm soát dịch nghiêm ngặt ở Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc) - tâm dịch COVID-19, Trung Quốc lúc này đang thận trọng khôi phục một số hoạt động bình thường sau khi số ca nhiễm mới cho thấy có đà giảm.
Trung Quốc có tín hiệu khả quan
Số ca tử vong và nhiễm mới ở Trung Quốc đại lục những ngày qua có chiều hướng giảm. Chẳng hạn, ngày 22-2, Trung Quốc thông báo có 397 ca nhiễm mới, giảm 55% số ca nhiễm thông báo trong ngày 21-1 (889 ca). Số ca nhiễm ở Vũ Hán (trừ số ca tử vong và ca hồi phục) ngày 22-2 là 36.680, giảm nhiều so với 38.020 ca ngày 18-2.
Vũ Hán ngày 24-2 đã phần nào nới lỏng phong tỏa, cho phép người Trung Quốc bên trong TP mà không phải công dân Vũ Hán được ra ngoài.
Ngày 23-2 nhóm chuyên gia y tế công cộng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã rời Vũ Hán, sau hai ngày khảo sát tình hình dịch tại đây, hỗ trợ lập kế hoạch hành động cho giai đoạn chống dịch tiếp theo cho Vũ Hán và Trung Quốc. Trong tuần rồi đội chuyên gia này đã làm việc ở Bắc Kinh và các tỉnh Tứ Xuyên, Quảng Đông.
Ngày 21-2, 18 tỉnh ở Trung Quốc thông báo không có ca nhiễm mới, trong đó có Tây Tạng, Nội Mông, Giang Tô, Liêu Ninh, Cam Túc.
Bắt đầu từ hôm nay (24-2) tỉnh Quảng Đông - điểm dịch lớn thứ hai Trung Quốc sau Hồ Bắc hạ cảnh báo dịch từ mức I (mức nghiêm trọng nhất) xuống mức II.
Phát triển dụng cụ xét nghiệm COVID-19 tại một phòng thí nghiệm ở tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Ảnh: EPA
Quảng Đông là địa phương hành chính thứ sáu của Trung Quốc hạ mức cảnh báo dịch. Chính quyền một số tỉnh như Cam Túc, Liêu Ninh, Quỳ Châu, Vân Nam quyết định giảm mức cảnh báo khẩn cấp xuống hai bậc, từ “cực kỳ nghiêm trọng” (mức cao nhất) xuống “vừa phải”.
Toàn bộ 31 tỉnh và đô thị tự trị của Trung Quốc tháng trước đồng loạt tuyên bố áp dụng mức cảnh báo khẩn cấp cao nhất.
Nhiều nơi ở Trung Quốc, các chính quyền và các doanh nghiệp đang nỗ lực quay lại nhịp hoạt động kinh tế bình thường. Chẳng hạn, tại Thượng Hải 97% trong 500 công ty hàng đầu của Mỹ do tạp chí Fortune bầu chọn, 93% các công ty đa quốc gia và khu vực có mặt tại TP này đã khôi phục hoạt động.
Dù ca nhiễm mới vẫn xuất hiện mỗi ngày nhưng Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc lạc quan số ca nhiễm đã và đang có xu hướng giảm, không chỉ ở các địa phương khác mà cả ở Vũ Hán và các TP khác trong tỉnh Hồ Bắc. Trung Quốc tự tin các nỗ lực y tế của mình đã tạo nên được “tiến trình tích cực”.
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc nói các nỗ lực kiềm chế dịch COVID-19 cho thấy “tiến trình tích cực”. Ảnh: REUTERS
Tuy nhiên, bất kể các tín hiệu tích cực trên, nhiều quan chức và chuyên gia y tế công cộng vẫn cảnh báo dịch vẫn chưa tới đỉnh điểm và thách thức kiềm chế vẫn rất lớn. Chính Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng nhìn nhận điều này trong buổi họp trực tuyến các lãnh đạo chính phủ ngày 23-2.
Lo lắng nguy cơ thành đại dịch
Bên cạnh đó, trong khi Trung Quốc có dấu hiệu khả quan thì tình hình dịch bên ngoài nước này đang diễn tiến hết sức phức tạp và nguy hiểm. Đặc biệt, diễn biến dịch tăng nhanh nghiêm trọng ở Hàn Quốc, Nhật, Iran khiến nhiều chuyên gia lo lắng nguy cơ dịch COVID-19 có thể biến thành một đại dịch toàn cầu.
Theo số liệu báo South China Morning Post dẫn từ Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, tính đến sáng 24-2, số ca tử vong vì bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus Corona mới (tên chính thức là COVID-19) gây ra ngoài Trung Quốc đại lục là 27 ca, hơn 3.000 ca nhiễm.
Trong đó, tình hình đặc biệt nghiêm trọng tại Nhật với bốn ca tử vong (tính cả ba ca trên du thuyền Diamond Princess đang neo tại cảng Yokohama) - cao thứ hai thế giới, 837 ca nhiễm; và Hàn Quốc với bảy ca tử vong, 833 ca nhiễm - cao thứ ba thế giới.
Người dân trên đường phố Daegu - điểm dịch lớn nhất tại Hàn Quốc. Ảnh: EPA
Iran chỉ mới phát hiện dịch ngày 20-2 nhưng chỉ trong ba ngày đã có tám ca tử vong và 43 ca nhiễm.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 22-2 cảnh báo “cửa sổ cơ hội” để kiềm chế đà lan của dịch ra cộng đồng thế giới đang đóng dần. Theo ông Tedros, điều WHO lo ngại là số ca nhiễm không có liên quan rõ ràng với Trung Quốc.
“Lo ngại lớn nhất của chúng tôi vẫn là nguy cơ dịch COVID-19 lan tràn tới các nước có hệ thống y tế yếu kém” - ông Tedros lo lắng.
Giáo sư về bệnh truyền nhiễm và sức khỏe công cộng Dirk Pfeiffer tại Đại học TP Hong Kong ghi nhận đà giảm lây lan của dịch tại Trung Quốc nhờ nỗ lực kiềm chế của nước này nhưng điều này không có nghĩa dịch đã được kiểm soát và vẫn có khả năng lớn sẽ bùng phát thành đại dịch.
“Không may là tôi lại nghĩ chúng ta không thể ngăn chặn virus này lây lan và chắc chắn là vài tuần hoặc vài tháng tới ca nhiễm bệnh sẽ xuất hiện ở nhiều nước nếu không muốn nói là ở phần lớn nước trên thế giới. Nó sẽ trở thành đại dịch” - Giáo sư Pfeiffer bi quan.
Giáo sư về bệnh dịch học Greg Gray tại Đại học Duke (Mỹ) nói điều ông lo ngại nhất về khả năng dịch lan tràn ở các nước châu Á vốn không có hạ tầng y tế mạnh.
“Đà lan virus ở châu Á rất báo động. Tôi nghĩ chúng ta đang đến gần một đại dịch” - Giáo sư Gray lo ngại.