Chiều 23-5, Tỉnh ủy tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (BR-VT) tổ chức hội thảo “Đánh giá thực trạng, nguyên nhân và giải pháp hạn chế ngư dân xâm phạm vùng biển nước ngoài đánh bắt hải sản trái pháp luật”.
Biên phòng tỉnh BR-VT nhận định việc tàu cá trong tỉnh xâm phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ ngày càng tăng, diễn biến phức tạp, năm sau cao hơn năm trước. Điều này đã gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản của ngư dân, làm cho ngành khai thác, chế biến thủy sản của tỉnh suy giảm. Cùng đó là các hệ lụy về nợ xấu ngân hàng, giải quyết công ăn việc làm, an sinh xã hội, đảm bảo an ninh trật tự rất phức tạp, các chế độ, chính sách khuyến khích ngư dân vươn khơi bám biển, bám ngư trường, bảo vệ chủ quyền biển, đảo bị ảnh hưởng.
Nguồn lợi thủy sản bị cạn kiệt
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, theo phân tích của các đại biểu tại hội nghị, là do nguồn lợi thủy sản trong vùng biển Việt Nam bị cạn kiệt, nếu đánh bắt tại vùng biển Việt Nam phần lớn đều bị thua lỗ. Việc chưa có hiệp định phân định vùng biển giữa Việt Nam với một số nước có chung vùng biển như Indonesia, Malaysia cũng còn tạo ra những vùng biển chồng lấn. Cùng đó là việc Trung Quốc gia tăng các biện pháp nhằm khẳng định chủ quyền của họ theo tuyên bố đường “lưỡi bò”.
Mặt khác, Indonesia và Malaysia áp dụng biện pháp cứng rắn đối với tàu cá nước ngoài xâm phạm vùng biển của họ. Trong khi đó các chế tài của nước ta đối với tàu cá xâm phạm vùng biển nước ngoài còn nhẹ và bất cập.
Ngoài ra, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của chủ tàu, thuyền trưởng và ngư dân còn nhiều hạn chế… cũng dẫn đến tình trạng xâm phạm trên.
Các ngư dân tại sân bay Soekarno Hatta (Indonesia) chuẩn bị về nước . Ảnh: TTXVN
Đề nghị lập chuyên án điều tra
Đại diện các đơn vị tham gia tham luận là biên phòng, Công an tỉnh BR-VT, cảnh sát biển đều cho rằng có hiện tượng một số người câu kết, móc ngoặc với đối tượng nước bạn để nhận tiền và bảo kê cho tàu cá của tỉnh BR-VT sang đánh bắt. Những tàu này thậm chí được làm sẵn một bộ hồ sơ đăng kiểm khác. Tuy nhiên, việc xử lý hình sự tới nay chưa thể thực hiện được do chưa có điều luật quy định cụ thể hành vi này.
Ngoài ra nhiều tàu cá khi đi đánh bắt ở ngoài vùng biển chồng lấn hoặc sang nước bạn đã tắt các hệ thống thông tin liên lạc, định vị vệ tinh khiến các cơ quan chấp pháp của Việt Nam rất khó trong việc theo dõi và bảo vệ…
Từ các nguyên do trên, nhiều đại biểu cho rằng cần sớm bổ sung chế tài xử lý hình sự đối với hành vi môi giới, móc nối đưa tàu cá ra nước ngoài đánh bắt.
Đồng thời kiến nghị lên trung ương tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực để cùng khai thác nguồn lợi, sớm phân định ranh giới vùng biển giữa Việt Nam và các nước trong khu vực. Cùng đó là việc tăng cường lực lượng chấp pháp bảo vệ ngư dân đi đánh bắt xa bờ song song với việc xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Kết luận hội nghị, ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh BR-VT, nhấn mạnh cần phải chế tài thật mạnh với những tàu cá, ngư dân, cơ quan chức năng vi phạm pháp luật về việc đánh bắt hải sản trên vùng biển nước ngoài, đi đánh bắt không bật các thiết bị giám sát hành trình, thông tin liên lạc…
Ông Lĩnh cũng yêu cầu các địa phương, cơ quan chức năng của tỉnh cần tăng cường công tác tuyên truyền tới ngư dân không đánh bắt ở vùng biển nước ngoài. Đồng thời lập chuyên án điều tra, nắm tình hình các đối tượng câu kết với đối tượng nước ngoài đưa trái phép tàu cá, ngư dân trong tỉnh đi đánh bắt ở vùng biển nước bạn.
Cả trăm tàu vi phạm với hơn 1.000 ngư dân bị bắt giữ Theo tỉnh BR-VT, từ 1-1-2013 đến 31-3-2017 đã có 134 tàu (công suất 250 CV) với hơn 1.000 ngư dân của tỉnh bị nước ngoài bắt giữ do xâm phạm vùng biển đánh bắt hải sản trái pháp luật. Trong đó 132 tàu với 997 ngư dân bị Indonesia bắt giữ; hai tàu khác do Malaysia bắt giữ. Huyện Long Điền là địa phương có số tàu lớn nhất bị bắt giữ (110 tàu với 787 ngư dân)…17 tàu của các địa phương khác hoạt động tại tỉnh BR-VT cũng đã bị bắt giữ. Các tàu cá bị bắt giữ chủ yếu hành nghề giã cào, câu, lưới rê. |