Cô gái 9X biến hóa jean cũ thành túi xách thời trang không đụng hàng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Đam mê với đồ handmade và dành tình yêu đặc biệt với môi trường, cô gái Nguyễn Thị Hồng Thắm (ngụ quận Tân Bình, TP.HCM) luôn ấp ủ mong muốn làm ra những sản phẩm thân thiện với môi trường. Từ sản phẩm đầu tiên là chiếc túi xách nhỏ được may từ chiếc quần jean cũ của ông xã, được mọi người yêu thích và ủng hộ, Thắm dần bén duyên với công việc tái chế đồ jean. 

Tính đến nay cô nàng đã cho ra thị trường gần 100 sản phẩm đa dạng như balo, túi xách, túi đựng điện thoại, ví cầm tay… với đủ kích cỡ và kiểu dáng. 

“Khi làm xong chiếc túi đầu tiên mình có chia sẻ lên các hội nhóm và thấy có rất nhiều bạn thích và hỏi xin địa chỉ để gửi cho những đồ jean cũ mà các bạn không dùng, những món này về cơ bản lỗi thời hoặc có những vết bẩn, rách, không sử dụng được nhưng họ cảm thấy vứt đi rất phí nên họ cho mình để tái chế. Mình lấy về giặt giũ và sử dụng lại” - Hồng Thắm chia sẻ.

Thắm chia sẻ, bí quyết để biến những đồ jean cũ thành những chiếc túi xách đẹp mắt là chú trọng ở khâu phân loại và làm sạch vải. Trong quá trình sáng tạo, Thắm tận dụng tối đa các phần túi, mác, đai của đồ jean cũ để tạo thành các chi tiết trên balo, túi xách. 

Sau khi thiết kế kiểu dáng phù hợp thì sẽ bắt đầu công đoạn chế tác, thêu thêm hoa văn, thêm phụ kiện, khoen gài, khóa kéo. Trung bình thời gian làm ra một sản phẩm mất từ 1 đến 2 ngày.

Theo Thắm, việc may túi xách khó nhất ở khâu dựng form túi, bởi việc này đòi hỏi cao về mặt kỹ thuật hơn so với việc may quần áo. Đồng thời, để làm ra một chiếc túi đẹp, người thợ cần phải may thật cẩn thận và tỉ mỉ.

“Kỹ thuật may, kỹ thuật thêu mình chỉ tự học trên mạng, trong quá trình làm thì mình tự rút ra kinh nghiệm cho bản thân chứ không học từ ai”- Thắm bộc bạch.

Thắm luôn mong muốn những sản phẩm túi xách của mình sẽ truyền cảm hứng về việc bảo vệ môi trường, để ai cũng có thể tận dụng lại những món đồ thời trang cũ, tái chế chúng thành sản phẩm có giá trị thay vì biến chúng thành rác thải.

“Mọi người hay có tâm lý là luyến tiếc đồ cũ nên thường giữ lại rất nhiều và không biết làm gì với nó, mình nghĩ tái chế là một hướng giải quyết tốt. Khi mình sử dụng lại đồ cũ nghĩa là mình kéo dài vòng đời cho sản phẩm, lượng rác thải sẽ giảm bớt, từ đó góp một chút phần nhỏ bé cho việc bảo vệ môi trường” - Hồng Thắm chia sẻ.

Sắp tới, cô gái dự định sẽ đưa sản phẩm tái chế của mình phát triển rộng rãi hơn trên thị trường, đồng thời mở thêm các lớp truyền nghề, hướng dẫn cho tất cả những ai cùng đam mê. 

Một trong những sản phẩm của Thắm. 

Những chiếc balo bằng vải jean tái chế không đụng hàng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm