Theo tờ South China Morning Post, đã 17 năm trôi qua kể từ ngày đại dịch SARS (Hội chứng hô hấp cấp tính nặng) bùng phát và cũng đã bảy năm kể từ ngày dịch MERS (Hội chứng hô hấp Trung Đông) xuất hiện, các nhà khoa học trên thế giới đến nay vẫn chưa từng tìm được vaccine hiệu quả cho hai loại dịch này dù đã có phác đồ điều trị.
Do đó, câu hỏi cần đặt ra là liệu giới chuyên gia có thành công bào chế vaccine cho dịch COVID-19 hay không khi trước đó chưa từng có bất kỳ đột phá nào. Trước đó vào ngày 12-2, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus từng tuyên bố vaccine cho COVID-19 sẽ sẵn sàng trong khoảng 12-18 tháng nữa.
Một bác sĩ đang làm việc trong phòng thí nghiệm ĐH Y Vũ Hán (Ảnh chụp ngày 22-2). Ảnh: AFP
Trở ngại đối với tiến trình điều chế vaccine
Dù tình hình dịch bệnh hiện nay diễn biến khá phức tạp, việc phát triển vaccine rất cần thời gian để nghiên cứu, thử nghiệm trước khi chính thức đưa vào sử dụng. Điều trớ trêu là việc cách ly khiến tình hình kinh tế, giao thông đình trệ ở Trung Quốc khiến nhiều dự án nghiên cứu gặp khó khăn.
Bên cạnh đó, Giám đốc Michael Osterholm thuộc Trung tâm nghiên cứu chính sách và dịch bệnh truyền nhiễm (CIDRP) khẳng định việc phát triển vaccine rất tốn kém. Số tiền đầu tư có thể lên đến 1 tỉ USD với hàng loạt quy trình cấp bản quyền, thí nghiệm trên người cùng những tiêu chuẩn khắt khe khác.
"Đó là chưa kể tiêu chuẩn về phòng thí nghiệm có thể phát triển vaccine mới cũng khiến chính phủ phải tốn thêm rất nhiều tiền để đầu tư máy móc, nhân lực" - ông Osterholm nói thêm.
Hồi năm 2003, các nhà khoa học phải mất bốn tháng mới tổng hợp được bộ gen của virus SARS để tiến hành điều chế mẫu vaccine thử nghiệm lên động vật.
Trường hợp thí nghiệm lên cơ thể người đầu tiên sau đó diễn ra tại Bắc Kinh vào tháng 12-2004. Tuy nhiên, thời điểm này đại dịch về cơ bản đã chạm đỉnh và các trung tâm nghiên cứu bắt đầu chuyển hướng sang bào chế những loại vaccine khác. Hệ quả là cho đến nay con người vẫn chưa có vaccine SARS chính thức.
Đến năm 2020, tình hình có vẻ tốt hơn khi các nhà khoa học nhận thức sớm tính nghiêm trọng của vấn đề và tập trung mọi nguồn lực để phát triển vaccine chống COVID-19.
Ngay khi dịch bùng phát vào đầu tháng 1-2020, bộ gen của virus Corona chủng mới được các nhà khoa học nghiên cứu, tổng hợp sơ bộ và chia sẻ công khai từ ngày 10-1. Động thái thậm chí còn trước cả khi chính phủ Trung Quốc tuyên bố virus có thể lây lan từ người sang người vào ngày 21-1.
Có thể phải mất 10 năm để ra vaccine COVID-19
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện đã có năm trung tâm đạt đến giai đoạn tiền lâm sàng, tức đã nuôi cấy được các tế bào nhiễm bệnh và bắt đầu thử nghiệm trên động vật để xem chúng có tổng hợp được kháng thể làm vaccine hay không.
Trung tâm Moderna (Mỹ) cho biết sẽ bắt đầu thử nghiệm vaccine COVID-19 trên cơ thể người từ tháng 4-2020. Một nhóm nghiên cứu từ ĐH ICL (Anh) cũng kỳ vọng có thể thử nghiệm trên con người từ mùa hè năm nay.
Về phía Trung Quốc, một số trung tâm nghiên cứu nước này chia sẻ họ sẽ bắt đầu thử nghiệm vaccine trên cơ thể người từ giữa hay cuối tháng 4-2020.
Theo South China Morning Post, đây đã là tốc độ nhanh nhất mà các nhà khoa học có thể bào chế vaccine từ trước đến nay. Trước đó, để đi từ việc phát hiện mã gen cho tới thử nghiệm vaccine lâm sàng phải tốn đến vài năm.
Phía WHO cho biết trong số 33 dự án phát triển vaccine chống dịch SARS năm 2003, chỉ có hai dự án là đạt đến giai đoạn thử nghiệm trên cơ thể người, số còn lại đã bị đình chỉ hoàn toàn do không còn được ưu tiên cấp vốn. Đối với dịch MERS, chỉ khoảng 3/48 dự án vaccine là đến được giai đoạn thử nghiệm trên cơ thể người.
Một số chuyên gia hiện cũng đã lên tiếng chỉ ra nhiều quan chức đang quá kỳ vọng vào thời gian phát triển vaccine bởi công trình này sẽ vấp phải rất nhiều khó khăn để có thể đảm bảo an toàn cũng như hiệu quả chống dịch. Do đó, thời gian điều chế có thể kéo dài.
Theo GS Allen Cheng thuộc ĐH Monash (Úc), việc sản xuất vaccine không đơn giản như việc chế tạo một "chai nước ngọt hương vị mới". Đầu tiên, các nhà khoa học cần tìm những kháng thể tiềm năng đảm bảo an toàn và có khả năng sản xuất hàng loạt. Sau đó, các chuyên gia phải thử chúng trên cơ thể động vật nhiều lần nhằm nghiên cứu triệt để những phản ứng phụ.
Tiếp theo, vaccine phải được thử trên cơ thể người và tốn rất nhiều thời gian xem xét chờ kết quả cũng như đảm bảo chắc chắn rằng vaccine mới sẽ không gây ra các phản ứng phụ nguy hiểm.
Chưa hết, sau khi đã có thành quả, các nhà khoa học phải tốn thời gian chứng minh, rồi đăng ký bản quyền, làm việc với các cơ quan luật pháp, với doanh nghiệp để có thể sản xuất hàng loạt. Thông thường, cả quá trình này sẽ phải tốn ít nhất 10 năm.
"Kể cả khi mọi thứ diễn ra hoàn hảo với các nguồn lực tập trung vào đây, tôi vẫn cho rằng chúng ta phải mất vài năm mới cho ra thị trường được vaccine mới" - GS Cheng tuyên bố.