Theo trang thống kê Worldometers đến sáng 20-4 (Việt Nam), số ca tử vong đến nay tại Mỹ đã lên tới 40.524, tăng 1.510 ca trong ngày 19-4. Số ca nhiễm COVID-19 trên toàn nước Mỹ hiện là 763.579 ca, tăng 24.487 người trong ngày 19-4. Mỹ tiếp tục là quốc gia có số ca tử vong và ca nhiễm COVID-19 cao nhất thế giới.
Được biết hãng tin Reuters cho hay Mỹ mất 38 ngày tính từ ngày ca tử vong đầu tiên hôm 29-2 để tăng lên 10.000 người thiệt mạng vì đại dịch vào hôm 6-4. Năm ngày sau đó, con số này chạm mốc 20.000 người.
Số người chết vì COVID-19 tại Mỹ tiếp tục tăng từ 30.000 người lên 40.000 người chỉ trong bốn ngày sau khi TP New York thay đổi cách tính, gộp cả những trường hợp nghi nhiễm tử vong chưa được xét nghiệm.
Nhân viên y tế di chuyển một bệnh nhân COVID-19 ở TP New York, Mỹ ngày 11-4. Ảnh: REUTERS
New York vượt đỉnh dịch, nhiều bang chuẩn bị nới lỏng phong tỏa
Ở tâm dịch New York, thống kê của cho thấy bang này trong ngày 19-4 tăng thêm 627 ca tử vong, lên 18.298 người. Số người nhiễm cũng tăng 6.174 trường hợp, lên 247.215 ca.
Phát biểu họp báo ngày 19-4, Thống đốc Andrew Cuomo cho biết số người nhập viện do COVID-19 tại bang này tiếp tục giảm, số bệnh nhân phải dùng máy thở cũng giảm.
"Nếu tình hình tiếp tục theo hướng này, chúng ta có thể đã qua đỉnh dịch và các dấu hiệu hiện tại cho thấy dịch đang trên đà giảm. Tuy nhiên, người dân vẫn nên tiếp tục giữ vững tinh thần cảnh giác" - ông Cuomo nói, theo tờ The New York Times. Quan chức này cũng kêu gọi chính quyền liên bang tiếp tục hỗ trợ để bang này mở rộng công tác xét nghiệm.
Trong khi đó, Thị trưởng TP New York Bill de Blasio cho biết khoảng 1.400 tình nguyện viên y tế đã được điều tới hỗ trợ các bệnh viện và nhà dưỡng lão tại thành phố này. Ông thông báo rằng số người nhập viện lại tăng nhưng số ca bệnh phải điều trị tích cực có giảm và số người nhiễm COVID-19 cũng giảm.
Theo sau bang New York về tình hình dịch là bang lân cận New Jersey với 85.301 người nhiễm, trong đó 4.202 ca tử vong. Giữa hai bang này có mức cách biệt rất xa về số ca nhiễm, hơn 161.914 người.
Các bang có tình hình dịch nghiêm trọng tiếp theo lần lượt là Massachusetts (38.077 ca nhiễm, trong đó 1.706 người tử vong), Pennsylvania (32.734 ca nhiễm, trong đó 1.237 người tử vong), California (31.430 ca nhiễm, trong đó 1.175 người tử vong) và Michigan (31.424 ca nhiễm, trong đó 2.391 người tử vong).
Hiện một số bang như Ohio, Texas và Florida cho biết đang lên kế hoạch mở cửa kinh tế trở lại, có thể từ đầu tháng 5 hoặc thậm chí sớm hơn. Trong khi đó, nhiều bang, trong đó có tâm dịch New York, lại tỏ ra thận trọng với kế hoạch mở cửa trở lại.
Về phía Tổng thống Donald Trump, nhà lãnh đạo Mỹ hồi tuần trước cho rằng Mỹ đã qua đỉnh dịch về số ca nhiễm mới và ông muốn mở cửa kinh tế trở lại. Chính quyền ông Trump khuyến nghị nếu các bang có số người nhiễm COVID-19 mới giảm liên tục trong 14 ngày thì có thể bắt đầu dỡ bỏ dần các lệnh hạn chế đi lại.
Thậm chí, ông Trump hồi ngày 18-4 còn đăng dòng trạng thái trên trang Twitter cá nhân kêu gọi "giải phóng" các bang Michigan, Minnesota và Virginia trong bối cảnh nhiều người dân xuống đường biểu tình đòi chính quyền tiểu bang cho mở cửa kinh tế.
Hiện nhiều chuyên gia đã lên tiếng hậu quả khó lường nếu Mỹ cho mở cửa kinh tế quá sớm, The New York Times cho hay. Đơn cử, một nhóm các nhà khoa học thuộc ĐH Harvard (Mỹ) cho rằng nếu nước này muốn mở cửa kinh tế trở lại, nước này cần đạt được tốc độ xét nghiệm là 500.000 lượt một ngày, trong khi hiện tại Mỹ mới đáp ứng được khoảng 150.000 lượt xét nghiệm một ngày.
Tờ The Washington Post dẫn phát biểu ngày 19-4 của Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin cho biết Nhà Trắng và lãnh đạo Quốc hội đang đàm phán một thỏa thuận hơn 400 tỉ USD nhằm bổ sung kinh phí hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ, các bệnh viện trên toàn quốc.
Dự kiến thỏa thuận này sẽ được Thượng viện thông qua ngày 20-4 (giờ địa phương) và chuyển qua Hạ viện một ngày sau đó.
Trước đó, chính phủ Mỹ đã dành ra khoảng 350 tỉ USD cho các doanh nghiệp nhỏ vay để trả lương cho nhân viên và hạn chế cắt giảm nhân viên trong bối cảnh đại dịch. Tuy nhiên, khoản hỗ trợ này nhanh chóng cạn kiệt khi cung cấp cho 1,6 triệu doanh nghiệp vay trong thời gian qua. Hơn 22 triệu người ở Mỹ cũng đã đăng ký xin trợ cấp thất nghiệp trong bốn tuần gần đây.