Chiều 7-4 (theo giờ địa phương), Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tuyên bố tình trạng khẩn cấp đối với thủ đô Tokyo, TP Osaka và năm tỉnh khác gồm Kanagawa, Saitama, Chiba, Hyogo và Fukuoka trong khoảng một tháng để ngăn COVID-19 lây lan, theo hãng tin Reuters.
"Chúng tôi quyết định tuyên bố tình trạng khẩn cấp vì chúng tôi đã đánh giá sự lây lan nhanh chóng của COVID-19 trên toàn quốc sẽ có tác động rất lớn đến cuộc sống và nền kinh tế” - ông Abe phát biểu trước Quốc hội.
Bắt đầu từ ngày mai đến ngày 6-5
Tình trạng khẩn cấp sẽ có hiệu lực từ ngày mai (8-4) và kéo dài đến ngày 6-5.
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tuyên bố áp đặt tình trạng khẩn cấp chống COVID-19. Ảnh: NHK NEWS
Tính đến ngày 7-4, tại Nhật đã có hơn 3.906 ca nhiễm, trong đó 92 người chết vì COVID-19, theo trang thống kê Worldometer. Trong đó, Tokyo là khu vực có số người nhiễm cao nhất nước 1.116, tính luôn cả 83 ca nhiễm mới trong ngày 7-4.
Có thể nói Nhật đã tránh được sự bùng phát lớn của COVID-19 so với các điểm nóng khác toàn cầu. Tuy nhiên sự gia tăng số ca nhiễm gần đây ở Tokyo, Osaka và các khu vực khác là lý do Thủ tướng Abe phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp, theo Reuters.
Việc công bố tình trạng khẩn cấp sẽ trao quyền cho lãnh đạo các tỉnh, thành phố yêu cầu người dân ở nhà, cũng như đóng cửa trường học và các doanh nghiệp. Tuy nhiên, Nhật sẽ không thực hiện lệnh phong tỏa như vài quốc gia khác.
Lãnh đạo các địa phương cũng có thể trưng dụng vật tư y tế và thực phẩm từ các công ty phục vụ cho công tác chống dịch, theo báo Kyodo News. Các địa phương cũng có quyền xử phạt những người tích trữ hàng hóa hoặc không tuân thủ yêu cầu hợp tác chống dịch.
Tuy nhiên, tình trạng khẩn cấp không quy định hình phạt đối với việc phớt lờ yêu cầu ở nhà, việc này chủ yếu dựa nhiều vào ý thức người dân.
Một đường phố khu mua sắm Shibuya vắng vẻ người ở thủ đô Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: AFP
Thị trưởng TP Tokyo - bà Yuriko Koike cho biết chính quyền của bà đang bàn với chính phủ để quyết định loại hình cơ sở nào sẽ yêu cầu đóng cửa hoặc cắt giảm giờ làm việc. Bà Koike cũng nhắc lại rằng Tokyo không có bất kỳ hạn chế nào trong việc mua hàng hóa và thuốc men.
Kêu gọi người dân Nhật Bản bình tĩnh
Trong ngày 7-4, Thủ tướng Abe nói chính phủ không yêu cầu các công ty đường sắt giảm số lượng tàu đang hoạt động. Cơ sở hạ tầng thiết yếu khác như bưu điện, trạm ATM và ngân hàng đều vẫn hoạt động bình thường.
Bộ trưởng Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Taku Eto kêu gọi người dân Nhật giữ bình tĩnh, không đổ xô mua lương thực, thực phẩm vì nguồn cung vẫn đầy đủ.
Còn Bộ trưởng Kinh tế Yasutoshi Nishimura nói rằng người dân ở các tỉnh, thành thuộc khu vực tình trạng khẩn cấp không cần di chuyển đến những nơi khác vì có thể làm lây lan dịch bệnh.
Trước khi Thủ tướng Abe công bố tình trạng khẩn cấp, rất nhiều người dân ở thủ đô Tokyo và nhiều đô thị khác đổ xô đến mua khẩu trang và các nhu yếu phẩm khác, theo Kyodo News.
Thông qua gói kích thích kinh tế gần 110.000 tỉ yen
Cùng với việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp, Thủ tướng Abe cho biết chính phủ Nhật đã thông qua gói kích thích trị giá 108.000 tỉ yen (tương đương 990 tỉ USD) - bằng 20% sản lượng kinh tế của Nhật - để bù đắp tác động của dịch đối với nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này.
Theo ông Abe, gói kích thích này gồm các biện pháp tài chính tổng trị giá 39.000 tỉ yen (hơn 357 triệu USD) hỗ trợ bằng tiền mặt với các gia đình và doanh nghiệp nhỏ.
Gói kích thích cũng sẽ chi trả khoảng 26.000 tỉ yen (khoảng 238 triệu USD) hỗ trợ thanh toán việc nợ đọng thuế và an sinh xã hội của các doanh nghiệp.
Nhật tung gói kích thích kinh tế trị giá 108.000 tỉ yen. Ảnh: REUTERS
Ông Abe cho biết chi tiêu tài khóa của Nhật sẽ lên tới 39.000 tỉ yen (khoảng 357 triệu USD), chiếm khoảng 7% nền kinh tế nước này.
Ngoài ra, Nhật cũng sẽ phát hành một lượng lớn trái phiếu bổ sung trị giá hơn 18.000 tỉ yen (khoảng 165 tỉ USD) để có thêm nguồn ngân sách cho gói kích thích này.
Trong khi đó, các nhà lập pháp Nhật kêu gọi cần có một gói chi tiêu lớn hơn từ chính phủ để ngăn chặn sự phá sản và mất việc làm.
Các nhà phân tích dự đoán nền kinh tế Nhật - vốn đã suy giảm trong quý IV-2019 sẽ tiếp tục bị thu hẹp trong hai quý nữa của năm nay và làm áp lực lên chính phủ và ngân hàng trung ương.
"Chính phủ có thể sẽ lập một ngân sách bổ sung khác sớm để kích thích nền kinh tế cho việc chi tiêu nhiều hơn" - ông Takahide Kiuchi, cựu thành viên Hội đồng quản trị của ngân hàng Nhật, nói với Reuters.