COVID-19 Úc: Nhiễm vẫn tăng dù chính phủ chủ động, quyết liệt

Tính đến sáng 7-3, Úc ghi nhận 71 người nhiễm COVID-19, trong đó hơn một nửa ca nhiễm ở bang New South Wales, theo đài ABC.

Trong số các ca nhiễm mới ghi nhận trong ngày 6-3 có một bác sĩ vừa về nước từ Mỹ. Bác sĩ này làm việc tại Phòng khám Toorak tại bang Victoria. Đây là ca nhiễm thứ 11 tại bang này.

Người đứng đầu Cơ quan Y tế bang Victoria - bà Jenny Mikakos. Ảnh: AAP

Đáng lo ngại, theo lời bà Jenny Mikakos - người đứng đầu cơ quan y tế bang Victoria, trước khi bị xác nhận nhiễm bệnh, vị bác sĩ này đã khám, chữa trị cho hàng chục bệnh nhân tới phòng khám trong thời gian từ ngày 2-3 đến ngày 6-3. Hiện phòng khám trên đã bị đóng cửa.

Bác sĩ này cũng khám cho 2 bệnh nhân khác tại một viện dưỡng lão trong thời gian trên.

Chưa kể, theo cảnh báo của bà Mikakos thì những người đi cùng chuyến bay từ Mỹ đến Úc với vị bác sĩ trên cũng có thể bị nhiễm bệnh. 

Chính phủ Úc hành động nhanh chóng, quyết liệt

Báo South China Morning Post cho biết Úc gần như là quốc gia đi đầu trong công tác ngăn chặn COVID-19 khi là nước đầu tiên cấm khách du lịch từ Trung Quốc hôm 1-2, sau khi Trung Quốc tuyên bố dịch. 

Lệnh cấm này vẫn tiếp tục được duy trì cho đến các tuần tiếp theo, mặc dù áp lực vẫn đè nặng lên các trường đại học Úc vì sinh viên Trung Quốc đem lại hơn 35 tỉ AUD (tương đương 23 tỉ USD) cho ngành giáo dục nước này.

Đầu tuần trước, chính phủ Úc đã bổ sung Hàn Quốc và Iran vào danh sách cấm du lịch tới nước này và công bố đẩy mạnh kiểm tra thân nhiệt đối với du khách đến từ Ý, theo South China Morning Post.

Một trường trung học ở TP Sydney đóng cửa hôm 6-3 sau khi một học sinh 16 tuổi cho kết quả dương tính với COVID-19. Tại Sydney, hàng chục người tại một viện dưỡng lão phải cách ly vì viện này phát hiện có 5 ca nhiễm sau khi một cụ sống tại đây qua đời hôm 3-3 do COVID-19.

Thủ tướng Scott Morrison vẫn giữ nguyên tuyên bố coi dịch COVID-19 là đại dịch toàn cầu, dù Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chưa khẳng định điều này.

South China Morning Post cho biết ngày 6-3, ông Morrison công bố khoản ngân sách trị giá 1 tỉ AUD (khoảng 665.000 USD) chia sẻ giữa chính phủ liên bang và các địa phương để đối phó với dịch bệnh.

Thủ tướng Úc Scott Morrison vẫn coi COVID-19 là đại dịch toàn cầu. Ảnh: REUTERS 

Ông Morrison được khen ngợi vì đã có hành động quyết đoán để giải quyết cuộc khủng hoảng COVID-19, sau thời gian bị chỉ trích phản ứng kém với các vụ cháy rừng nghiêm trọng hồi cuối tháng 12 đầu tháng 1 vừa qua.

“Thủ tướng Úc đã có những bước đi chiến lược trong cuộc chiến này” -  nhà báo Richard Richard Glover của đài phát thanh ABC nói với tờ The Washington Post - “Ông ấy đã nhanh chóng phát hiện sự lây lan dịch bệnh và ra hành động”.

Giới chuyên gia vẫn còn nhiều lo lắng

Tuy nhiên, bất chấp sự chủ động và quyết liệt của Thủ tướng Morrison và chính phủ Úc, số ca nhiễm vẫn không ngừng tăng.

Nhà virus học Ian McKay tại Đại học Queensland nói rằng dù chính phủ áp dụng khắt khe các biện pháp hạn chế đi lại để giới chức y tế có nhiều thời gian khống chế dịch nhưng việc vẫn tiếp tục lây truyền khó tránh được.

“Chỉ một vài trường hợp lây lan từ người sang người ở bang Queensland và New South Wales được ghi nhận. Điều đó sẽ thay đổi trong thời gian tới, không phải vì Úc không chuẩn bị, mà bởi vì loại virus này "đang tiến triển rất nhanh”" - ông McKay nói.

“Việc dịch bệnh lây lan nhanh chóng như thế nào và có lây lan khắp đất nước hay không thì vẫn là một nghi vấn” - ông lo ngại.

Hôm 6-3, nhiều quan chức chính phủ gặp các bác sĩ và nhân viên y tế tuyến đầu thảo luận phản ứng với dịch bệnh khi một số chuyên gia y tế bày tỏ lo ngại về việc thiếu sự chuẩn bị do số ca nhiễm ngày càng tăng.

Người dân Úc đổ xô đi mua giấy vệ sinh tại TP Melbourne, bang Victoria. Ảnh: AFP

Bên cạnh đó, sự gia tăng ca nhiễm gây hệ lụy tiêu cực đến cuộc sống người dân. Những ngày qua, nhiều người dân Úc đổ xô đến các siêu thị gom toàn bộ hàng hóa thiết yếu như giấy vệ sinh, nước rửa tay.

Theo Phó giáo sư Erin Smith, chuyên gia về thảm họa và ứng phó khẩn cấp tại Đại học Edith Cowan, dịch COVID-19 đã thay đổi phong thái bình tĩnh của nhiều người dân Úc. Nhiều người bắt đầu thể hiện những phản ứng sợ hãi như dự trữ giấy vệ sinh và thuốc khử trùng tay.

Theo ông Smith, "thuốc giải độc cho nỗi sợ là hành động", "vì vậy, phải cố gắng để người dân Úc cảm thấy an toàn hơn trước đại dịch”.

Úc nuôi cấy thành công virus corona
Úc nuôi cấy thành công virus corona
(PLO)- Các nhà khoa học Úc đã nuôi cấy thành công virus corona mới trong phòng thí nghiệm, mở ra bước ngoặt trong công cuộc chống lại dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm