Hưng lái xe cho văn phòng đại diện một tờ báo ở Miền Trung, kể câu chuyện vào nghề của mình như một định mệnh: “Lúc cha em còn sống, dù ông là một tài xế lành nghề, nuôi sống cả gia đình bằng chiếc xe tải, nhưng ông cương quyết không cho em làm nghề tài xế mà bắt phải học hành thành tài hoặc làm một nghề khác.Em hiểu nỗi niềm ông qua nếp sống gia đình mình.
Cứ đến những tháng ngày cận tết, người ta kêu chở hàng nhiều là cha đi biền biệt. Mẹ luôn sống trong cảnh phập phồng lo sợ vì đã đôi lần cha bị tai nạn. Tâm trạng khắc khoải của mẹ lây sang cả đàn con thơ. Còn phía chúng em, nhìn gia đình chúng bạn quây quần bên nhau chuẩn bị đón tết mà mình buồn hiu. Bởi cha chưa về là mẹ không thiết sắm sửa gì hết”.
…Thế rồi một ngày đầu thu, vừa bình phục sau một cơn bạo bệnh, cha Hưng đã phải bắt tay sửa cái thắng xe để chở một số hàng ra Bắc theo một hợp đồng đã ký. Trên chuyến xe ấy, ngoài người tài xế ruột cha đã dày công đào tạo, còn có cả mẹ Hưng đi cùng, vừa chăm sóc chồng vừa buôn thêm ít hàng trả nợ.
Xe chở hàng nặng từ Nam ra Bắc, cha Hưng cầm lái suốt ngày, lên đến đỉnh đèo Hải Vân thì trời nhá nhem tối. Dừng xe lại uống nước giải lao xong, ông thấm mệt nên giao cho học trò mình cầm lái. Thời khắc cha Hưng đang thiu thiu ngủ thì bất chợt nghe tiếng la hoảng của tài xế: “Xe mất phanh rồi!”.
Cha Hưng choàng tỉnh, sực nhớ cái cúp-ben thắng sau bên trái bị hư, mua đồ mới không có, phải chế độ đồ cũ chạy tạm, giờ thì nó đột nhiên trở chứng. Ông hỏi liền: “Xe đang ở địa phận nào, đang đi số mấy?” - “Đổ đèo Hải Vân, số ba!”. Ông trấn an học trò: “Không sao! Bình tĩnh! Mở hết đèn xi-nhan lên để xe ngược chiều biết mà tránh. Hãy làm theo lời chú hướng dẫn!”.
Xe đang “ngậm” số ba, nhưng do chở quá nặng nên cứ lao vùn vụt xuống dốc. Đường đèo ngoằn ngoèo, có lẽ do run mà tài xế cứ mỗi lần đặt tay vào cần số, định thực hiện mệnh lệnh của cha Hưng thì xe lại chao đảo, hẩng bánh muốn lật. Cứ thế xe lao tới gần đường lánh nạn số một, cha Hưng ra lệnh tài xế cho xe tiếp cận để lao vào đó thì xe lại nghiêng, hẩng cả lằn bánh bên trái, muốn đâm sầm vào vách núi. Tới đường lánh nạn số hai, sự việc diễn ra tương tự làm tài xế mất bình tĩnh, nói lạc cả giọng: “Con... con không thể!”.
Sự thiếu tự tin của học trò đã bỏ qua hai cơ hội vào đường lánh nạn làm cha Hưng thất vọng. Và chỉ vài trăm mét nữa thôi là đến khúc cua ngoặt như tay áo, với tình trạng này chắc chắn xe sẽ lao xuống vực sâu mất! Ông liền giục mẹ Hưng: “Hai ta nhất thiết phải có một người sống để nuôi con, em nhảy xuống đi!”. Mẹ Hưng giãy nảy: “Em đàn bà làm sao nhảy được, anh xuống mới phải!”. Đùn đẩy mãi, trong khi đó xe cứ tăng tốc dần... Khúc cua tử thần đã xuất hiện trước mặt!
Không chần chừ được, nghĩ đến mấy đứa con còn quá nhỏ dại cha Hưng đành tung người qua cửa xe. Lúc này người tài xế bừng lên một bản năng sống mãnh liệt, anh ta bặm môi thực hiện nhanh những thao tác liên hoàn dồn số mà cha Hưng đã dạy từ trước. Khi tiếng…rẹt...rẹt... kéo dài, phát ra từ hộp số chấm dứt, cũng là lúc chiếc xe “điên” khựng lại vì đã vô được số hai. Xe bò xuống con dốc khá thuông và chạy thêm một quãng ngắn nữa rồi từ từ đi vào đường lánh nạn, cày tung cả lớp cát cản tốc mới chịu dừng hẳn.
“Mẹ em hớn hở nhảy vội xuống xe, chạy ngược dốc tìm chồng báo tin vui. Ai ngờ vừa tới nơi, mẹ điếng hồn thấy cha đang nằm bất động, mắt đã đờ đẫn, hai tai máu rỉ không còn nhận biết gì nữa! Thiệt là xui xẻo, đường vắng hoe không một xe nào lên xuống vì họ dừng lại xem bóng đá Sea games 20 dọc đường. Không có xe đưa đi cấp cứu, cha lịm dần rồi trút hơi thở cuối cùng trên tay mẹ.
Thực ra thao tác nhảy xuống đường lúc xe đang chạy thật không quá khó với một người lái xe tải lâu năm như cha. Nhưng không ngờ cha vắn số, đã bị đập đầu xuống đường do rơi xuống vùng ta-li ẩm ướt”.
Hưng ngậm ngùi kết thúc chuyện với lý do vào nghề của mình: Cha mất, gia cảnh khó khăn hơn, con đường ngắn nhất để giúp mẹ nuôi cả đàn con là em phải nghỉ học. Phụ xe, học nghề tài xế để lái chiếc xe “bạc bẽo” đó. Cuộc đời của em nhanh chóng được hoán đổi từ chiếc ghế nhà trường sang ghế lái, rong ruổi mưu sinh từ đó. Nỗi lòng đêm khuya ôm lái một mình, nghe tiếng lốp xe rì rào trên đường vắng, nhất là mỗi lần ngang qua chỗ cha mất, Hưng thương cha và thương mình đến thắt ruột!
Trích "Cuộc đời sau tay lái" của Trần Kiêm Hạ