Vụ tai nạn hy hữu

Từ Huế, Hiền đưa hai xếp phó vào Khánh Hòa dự thầu một công trình Thủy Lợi bằng xe du lịch mới mua bạc tỉ. Đến Quảng Ngãi cơm trưa xong là lên đường ngay. Vừa lên xe là hai ông Phó đã ríu mắt, nhưng vẫn không quên nhắc nhau thắt dây an toàn. Hiền là một tài xế từng trải, được tuyển chọn trong mấy trăm tài xế của công ty, anh lái xe trong tình trạng tỉnh táo.

Vừa ra khỏi nội ô thành phố, đường vắng Hiền cho xe tăng tốc để kịp hành trình. Dòng xe đời mới đã thể hiện rõ tính năng của nó. Chỉ cần nhấp ga là dễ dàng vượt hết xe này rồi đến xe khác… Và khi tăng tốc vượt tiếp một xe khác thì Hiền phát hiện phía trước có xe ngược chiều, liền đưa xe mình “nép” sau đuôi chiếc xe tải muốn vượt ấy. Nhưng anh đã tái mặt khi cho xe giảm tốc mà không thể nào được, dù cố sức đạp mà bàn phanh vẫn cứng đơ như… đạp phải đá! Trong khoảnh khắc chớp nhoáng ấy, chỉ đủ cho Hiền lựa chọn một trong hai phương án: Đâm xe mình vào đuôi chiếc xe tải trước mặt chở cột sắt thò lởm chởm ra ngoài, hoặc bẻ lái đưa xe xuống đám ruộng ven đường? Và trong tích tắc phương án thứ hai đã được thực hiện. Nhưng, thay vì… “rào” thì lại… “rầm...” một tiếng lớn kinh khủng. Hiền không còn biết gì nữa!

Tỉnh lại trong bệnh viện, Hiền nghe người ta kể lại: Xe húc trúng một gốc cây lớn ven đường. Lúc đó tài xế nằm gục trên tay lái, đầu và mặt đầm đìa máu, ngực được nâng đỡ bằng chiếc túi khí đang trong tình trạng nóng hổi và xẹp dần. Dân chúng ven đường chạy tới tưởng tài xế đã chết, vì thế họ chỉ dồn sức cấp cứu cho hai nạn nhân ngồi băng sau. Do không biết tháo dây an toàn, họ loay hoay mãi đã làm cho một người bị chấn thương cột sống ngất liền. Nạn nhân còn lại khá tỉnh táo, tự tháo dây an toàn cho mình và bảo mọi người hãy cấp cứu cho bạn mình bị nặng trước, nhưng chưa dứt lời thì anh ta cũng bị ngất nốt.

Trong ba người bị nạn, kẻ tưởng đã chết hóa nhẹ nhất. Vừa tỉnh táo, Hiền đã phải làm việc với công an. Anh tường thuật đúng sự việc, cam đoan rằng phanh xe đã có vấn đề. Nhưng công an thụ lý thì sau khi lập hội đồng giám định chiếc xe bị nạn, đã kết luận: Phanh xe sau tai nạn vẫn trong tình trạng hoạt động tốt! Hoàn cảnh và tình huấn trước tai nạn tài xế đưa ra chỉ là giả tạo. Lỗi thuộc về tài xế ngủ gật hoặc bất cẩn!

Chính kết luận đó đã làm Hiền điêu đứng. Uy tín lái xe hàng chục năm đã bị vất vào sọt rác. Đồng thời anh phải đối mặt với bao chuyện khác. Hai nạn nhân còn rất trẻ, đang độ đỉnh cao tài năng, sự nghiệp đầy triển vọng, quan trọng hơn hết họ là người trụ cột gia đình. Một người bị liệt do gãy cột sống lưng; người còn lại phải mổ cắt lá lách, đem dạ dày từ lồng ngực xuống, đưa gia đình họ lâm cảnh bế tắt.

Hiền cũng bị thương như người ta, dù chưa bình phục nhưng cũng thường xuyên đi lại thăm viếng hai người bị nạn xuất phát từ tình cảm hơn là trách nhiệm. Nhưng từ khi có kết quả giám định, Hiền không sao chịu nổi ánh mắt đầy oán hận của người thân nạn nhân. Không những thế phía công ty, mất hai cán bộ giỏi, mất cơ hội trúng thầu khiến công nhân thiếu việc làm, cả công ty đều xem Hiền là kẻ tội đồ, không ra gì.

Không cam chịu oan khiên, Hiền đã làm đơn đề nghị giám định lại nguyên nhân xe mình gây tai nạn. Hiền kể lại với tôi: “Thật ra không ai nghĩ có một nguyên nhân nào khác cho vụ tai nạn. Kiến nghị của mình được chấp nhận như một ân huệ cho một tài xế thâm niên từng có công lao với đơn vị, để tâm phục khẩu phục mà ngồi tù thôi”. Hội đồng giám đình gồm: Công an giao thông nơi xảy ra tai nạn - Đại diện Công ty Hiền - Hãng bán bảo hiểm xe - Hãng sản xuất và bán xe – Hiền, tài xế xe bị nạn. Họ đến nơi lưu giữ chiếc xe bị nạn để nghiên cứu lại thực trạng.

 

Kiểm tra để chắc rằng không có bất cứ vật lạ nào gây nguy hiểm ngay dưới chân côn và phanh xe

Không ai nghĩ rằng thủ phạm chính là… một lon sữa bò! Nó đã nằm lốc-kê ngay dưới bàn phanh xe, đúng vào thời khắc Hiền cần đạp phanh cho xe giảm tốc.

Tôi hoài nghi:

- Ủa lon sữa ở đâu ra vậy, mày biến hóa hả. Ngay sau tai nạn, người ta đã khám nghiệm hiện trường, sao không phát hiện từ trước?

Hiền giải thích:

- Nói thật là xưa nay không ai nghĩ tới điều này, để lưu ý tới bàn côn, chân phanh của tài xế sau những vụ tai nạn. Chứng cứ dẫn đến tai nạn diễn tiến trên đường như mây bay gió thoảng, hành khách thì đang ngủ, tuy nhiên lần khám nghiệm thứ hai là do đề xuất khẩn thiết, cụ thể của mình nên người ta mới rà soát lại kỹ càng đó thôi. Nhờ vậy mới phát hiện ra lon sữa tai quái, sau khi cản chân mình đã lăn ẩn dưới ghế lái. Có lẽ sau cú va chạm mạnh, hoặc sau tai nạn người ta cẩu xe đưa về garage đã làm lon sữa xê dịch vị trí ban đầu.

Tôi thắc mắc tiếp:

- Nhưng lon sữa ấy ở đâu ra? Tại sao cả hội đồng dễ dàng chấp nhận một việc ngược lại kết luận ban đầu? Vì sao cậu biết do lon sữa mà đề nghị cụ thể?

Hiền bình thảng trả lời: - Những ngày nằm bệnh viện mình suy nghĩ nát óc và đã mường tượng ra sự việc, nên lúc khám nghiệm lại không khó để tìm ra nguyên nhân. Này nhé, lúc nguy nan, cứu cánh duy nhất trong khoảng khắc ấy là cái phanh, thế mà dù cố hết sức mình vẫn không sao đạp xuống được một tí, trong lúc xe còn mới tinh. Nghĩa là phải có vật gì nằm bên dưới cản trở. Dựa suy luận ấy mà mình đã cố nhớ những ngày gần đây ai đã đem gì lên xuống xe.

Nhấp một ngụm cà phê, theo dòng hồi tưởng, Hiền kể tiếp:

- Sớm ấy, mình đem xe đến đón hai ông Phó. Vì ở gần nhà nhau nên cả hai thường qua lại uống cà phê mỗi sáng. Vợ ông Phó giám đốc kỹ thuật vừa pha cà phê vừa bồng con. Thằng nhỏ khá nghịch ngợm, tay quờ quạng làm ly tách đổ loảng xoảng. Thấy vậy mình bèn đến pha giúp. Lúc cần, loay hoay mãi vẫn không tìm ra lon sữa vừa mới thấy để trên mặt bàn, vậy là mình đành lấy một lon khác để trong kệ bếp gần đó. Cà phê xong, mọi người ra xe, hóa ra nãy giờ cậu nhỏ thôi quậy là được mẹ bế lên xe, khoái chí chơi đùa trên ghế lái…

Vợ của nạn nhân bị liệt vì chấn thương cột sống nghe mình hệ thống lại sự việc, chị ta từ chưng hửng đến ngỡ ngàng rồi mặt xám ngắt. Chị đã nhớ ra khi lên xe, con mình có ôm theo một hộp sữa rồi quên khuấy do vội vàng đưa cháu bé xuống để mọi người kịp hành trình.

Tôi chưa hết thắc mắc:

- Nếu có lon sữa đi nữa, thì làm sao chứng minh được nó chính là nguyên nhân gây tai nạn?

Hiền tiếp giải thích:

- Khi người ta đặt lon sữa bò vào vị trí nghi ngờ đó, thì thật trùng khớp! Lon sữa đã có chút biến dạng, hằn rõ vết đạp mặt dưới của bàn thắng vì lực đạp mạnh mẽ của mình. Ngược lại, mặt dưới bàn phanh cũng có vết sây sước nhỏ, lưu dấu màu sơn trên lon sữa. Chính nhờ tìm ra vật chứng, cộng sự chứng minh hợp lí của mình và cả nhân chứng là mẹ cậu bé, nên mình được nhẹ tội, thoát khỏi cảnh bị đồng nghiệp khinh thường và gia đình nạn nhân oán thán!

Nghe Hiền kể, tôi giật mình nhớ chuyện cũ, trước đây cũng đôi lần gặp phải trường hợp tương tự. Nhưng đó chỉ là những vỏ chai nước tinh khiết từ đâu đó đằng sau khoang hành khách theo quán tính chui tọt dưới ghế tài xế, rồi rột roạt, bẹp dúm dưới chân côn, chân phanh mình. Từ đó trước và sau chuyến đi, tôi thường bỏ ra đúng… 59 giây kiểm tra dưới ghế lái của mình và lưu ý điều này với hành khách trên xe.

Trích “Cuộc đời sau tay lái” của Trần Kiêm Hạ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm