Ảnh: ST
Theo báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2011-2015 của Bộ TN&MT, trong những năm qua, ô nhiễm chất thải rắn (CTR) tiếp tục là một trong những vấn đề môi trường trọng điểm.
Ảnh hưởng từ rác
CTR có số lượng phát sinh ngày càng tăng khoảng 10% mỗi năm và dự báo tiếp tục gia tăng mạnh trong thời gian tới. Đặc biệt, tại khu vực đô thị, lượng CTR sinh hoạt phát sinh trong giai đoạn 2011 - 2015 tiếp tục gia tăng và có xu hướng tăng nhanh hơn trước.
Chúng ta đều biết ô nhiễm môi trường ảnh hưởng rất lớn tới nhiều khía cạnh của cuộc sống, nhất là sức khỏe. Báo cáo Tổng quan của ngành y tế năm 2014 đã chỉ ra các yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Trong đó có việc gia tăng các yếu tố nguy cơ từ ô nhiễm không khí, nguồn nước, thực phẩm, rác thải…
Trong số các bệnh gây ra bởi ô nhiễm môi trường, có bốn nguyên nhân bệnh chủ yếu. Thứ nhất, tiêu chảy: 94% các bệnh liên quan đến tiêu hóa là do ô nhiễm môi trường nước, điều kiện vệ sinh kém. Thứ hai, nhiễm trùng đường hô hấp dưới chủ yếu do ô nhiễm không khí, ngộ độc khí thải từ đốt nhiên liệu dùng cho nấu nướng sinh hoạt, khói thuốc lá gây ra. Thứ ba, tai nạn, thương tích bao gồm nguy cơ tai nạn nơi làm việc, bức xạ, tai nạn công nghiệp… Đáng chú ý có tới 44% số tai nạn có nguồn gốc từ các yếu tố môi trường. Thứ tư, bệnh sốt rét chiếm đến 42% từ các nguyên nhân như chuyển đổi mục đích sử dụng đất, phá rừng, quản lý nguồn nước, thiết kế nhà ở.
Cùng nhau hành động
Tại TP.HCM, Sở TN&MT TP.HCM cho biết mỗi ngày TP thải ra khoảng 7.500 tấn rác, dự kiến đến năm 2020 con số này nâng lên từ 10.000 đến 12.000 tấn/ngày. Trong đó phần lớn chất thải xuất phát từ hộ gia đình, còn lại là các khu công sở, khu công nghiệp, siêu thị, nhà hàng, trung tâm thương mại… Đặc biệt, dù TP đều có lực lượng thu gom rác hoạt động cả ngày lẫn đêm nhưng chỉ vài tiếng đồng hồ, các con đường xuất hiện rác trở lại. Do vậy, là một người con của mảnh đất xinh đẹp này, bạn hãy góp sức mình để làm TP ngày càng trở nên tươi hơn.
· Chọn mua sản phẩm đóng trong những gói lớn: Nếu bạn thường xuyên sử dụng sản phẩm nào đó, hãy suy nghĩ về việc mua theo số lượng lớn. Thông thường sản phẩm đóng trong gói lớn sử dụng ít bao bì hơn gói nhỏ lẻ. Đây cũng là một trong những mẹo mua sắm khá hay giúp bạn có thể tiết kiệm tiền tốt hơn. Bởi lẽ nhà sản xuất luôn có giá rẻ hơn nếu bạn mua theo số lượng nhiều. Tuy nhiên điều này cần phải được tính toán tùy thuộc vào nhu cầu sử dụng hàng ngày của gia đình. Đặc biệt, bạn nên ưu tiên chọn hàng hóa ít đóng gói trong bao bì.
· Hãy mua sản phẩm đóng trong bao bì tái chế: Làm việc này bạn sẽ đóng góp vào chương trình tái chế của địa phương. Không những vậy, điều đó còn giúp bạn tạo thói quen cho con em, người thân trong việc hạn chế rác thải.
· Tái chế rác thay vì đem chôn: Điểm này chúng ta đang đề cập đến việc phân loại rác tại nguồn. Thay vì bỏ hết tất cả các loại rác vào túi và giao cho các đơn vị thu gom rác, bạn hãy đặt một chiếc thùng rác trong nhà để chứa các loại lon, chai nhựa, giấy… Sau đó, mang chúng đến các điểm thu gom rác tái chế, chẳng hạn như Ngày hội Tái chế chất thải diễn ra vào tháng 4 tại TP hàng năm. Không chỉ góp chai nhựa để tái chế, bạn còn có thể đổi rác lấy quà.
· Sử dụng túi dùng nhiều lần thay cho túi nylon thông thường: Có hai loại túi nylon bạn cần phân biệt: một là túi nylon thông thường, hai là túi nylon tự phân hủy (còn gọi là túi sinh thái thân thiện với môi trường). Túi nylon thông thường gây ô nhiễm môi trường và làm hao tổn tài nguyên. Trên các phương tiện truyền thông đã nói rất nhiều đến lợi ích của túi dùng nhiều lần hay túi nylon tự phân hủy. Vậy bạn hãy tìm hiểu thêm thông tin và hành động thông minh bằng việc nói không với túi nylon “dỏm”.
· Đừng ngại ngần khi tuyên truyền lợi ích của việc giảm rác thải với người thân, bạn bè để giúp họ tăng cường nhận thức trong việc giảm rác thải. Như vậy, cùng nhau chúng ta có thể làm cho TP xanh hơn.