Cựu đại sứ TQ: Bắc Kinh nên xem lại việc không dùng vũ khí hạt nhân trước với Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Một chuyên gia về giải trừ quân bị từng đảm nhận nhiều vị trí cấp cao trong Bộ Ngoại giao Trung Quốc đề xuất Bắc Kinh xem xét lại chính sách không sử dụng vũ khí hạt nhân trước, tờ South China Morning Post.

Trong một hội nghị hôm 15-9, cựu Đai sứ Trung Quốc về giải trừ quân bị, ông Sa Tổ Khang cho rằng việc Trung Quốc tham gia vào thỏa thuận kiểm soát vũ khí của Mỹ và Nga chỉ còn là “vấn đề thời gian”, nhưng quyết định của Bắc Kinh sẽ phụ thuộc vào tiến độ Mỹ cắt giảm vũ khí hạt nhân.

Hội nghị này được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập Hiệp hội Giải trừ và kiểm soát vũ khí Trung Quốc. Nội dung các bài phát biểu được Bắc Kinh công bố hôm 22-9. 

Cựu Đại sứ về giải trừ quân bị của Trung Quốc (1995-1997), ông Sa Tổ Khang. Ảnh: WEIBO

Trung Quốc "nên tinh chỉnh chính sách"

Ông Sa cho rằng Trung Quốc đã thể hiện “nền tảng đạo đức ở mức cao” vì ngay khi có được vũ khí hạt nhân (năm 1964) đã cam kết không trở thành nước đầu tiên sử dụng vũ khí hạt nhân trong bất kỳ thời điểm hay hoàn cảnh nào.

Tuy nhiên, ông Sa nói rằng đã tới lúc Bắc Kinh nên “tinh chỉnh” chính sách này như một cách để đối phó sự gia tăng hiện diện quân sự của Mỹ - quốc gia coi Trung Quốc là đối thủ, thậm chí là kẻ thù - trong khu vực.

“Áp lực chiến lược lên Trung Quốc đang gia tăng khi Mỹ xây dựng các liên minh quân sự mới và tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực xung quanh chúng ta” - ông Sa nói.

Phát biểu trước hơn 200 chuyên gia Trung Quốc về kiểm soát vũ khí, cựu Đại sứ Trung Quốc lưu ý rằng Trung Quốc nên duy trì chính sách “không sử dụng hạt nhân đầu tiên” với các nước không có vũ khí hạt nhân và hầu hết quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, đối với Mỹ, ông Sa cho rằng Trung Quốc không nên áp dụng chính sách này một cách vô điều kiện, trừ khi Bắc Kinh và Washington đàm phán để xây dựng sự hiểu biết chung về “không sử dụng hạt nhân đầu tiên” hoặc khi “Mỹ ngừng thực hiện bất kỳ biện pháp tiêu cực nào làm suy yếu hiệu quả của các lực lượng chiến lược của Trung Quốc”.

Đáng lưu ý, ông Sa đưa ra những nhận định trên chỉ vài giờ trước khi Mỹ, Anh và Úc bất ngờ công bố thành lập liên minh quân sự mới với tên gọi AUKUS, trong đó cho phép Washington và London chuyển giao công nghệ đóng tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân cho Canberra. Bắc Kinh kịch liệt chỉ trích AUKUS, cho rằng đây là động thái “cực kỳ vô trách nhiệm” và có nguy cơ gây ra cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Chỉ trích Mỹ trong các vấn đề Đài Loan, Iran, Triều Tiên

Ông Sa còn chỉ trích việc Mỹ đang tăng cường bán vũ khí cho các đồng minh nằm sát sườn Trung Quốc là Nhật, Hàn Quốc và Đài Loan - điều “củng cố liên minh quân sự xung quanh (Trung Quốc) và tăng khả năng ngăn chặn chiến lược chống lại Trung Quốc”. Ông Sa cáo buộc Washington đã áp dụng tiêu chuẩn kép để biện minh cho các hoạt động xuất khẩu vũ khí này, trong khi bắt ép các nước khác phải tuân thủ các quy định kiểm soát xuất khẩu vũ khí do chính Mỹ và các đồng minh lập ra.

Ông Sa cũng kêu gọi Trung Quốc thể hiện lập trường cứng rắn hơn trong các cuộc đàm phán đa phương về vấn đề hạt nhân của Iran hay của Triều Tiên. Ông Sa lưu ý rằng những cuộc đàm phán này đang bế tắc khi Washington từ chối dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt chống lại Tehran và Bình Nhưỡng.

“Về thỏa thuận hạt nhân Iran, Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận trong khi Trung Quốc, Nga và châu Âu vẫn tuân thủ… quan điểm của tôi là nếu Mỹ rút khỏi thỏa thuận, mọi người nên rút khỏi thỏa thuận” - ông Sa nói.

Còn về vấn đề hạt nhân Triều Tiên, ông Sa nhấn mạnh rằng Bắc Kinh cần cứng rắn tuyên bố Trung Quốc sẽ áp dụng một số biện pháp “nếu Mỹ không thực hiện đầy đủ và chính xác các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc”, ám chỉ Washington từ chối nới lỏng trừng phạt dù Bình Nhưỡng đã dỡ bỏ lò phản ứng hạt nhân Yongbyon hồi năm 2019.

Sau giai đoạn 1995-1997 giữ chức Đại sứ về Giải trừ quân bị của Trung Quốc, ông Sa còn là lãnh đạo đầu tiên của Cục Kiểm soát vũ khí thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Trước đó, ông Sa là người đứng đầu phái đoàn Trung Quốc tham gia đàm phán Hiệp ước Cấm thử Hạt nhân Toàn diện. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm