“Ở các nước khác, nếu để xảy ra tình trạng trên, bộ trưởng phải từ chức. Đến thời điểm này bộ trưởng có nghĩ đến điều này không?” - một đại biểu (ĐB) chất vấn. Bà Tiến trả lời: “Tôi không thể từ chức”. Theo Bộ trưởng Tiến, lý do bà không thể từ chức được là do đang cùng toàn ngành y tế tập trung cao độ cho công tác phòng, chống dịch bệnh. Lý do tiếp theo khiến Bộ trưởng không thể rời vị trí là Bộ Y tế đang tiếp tục triển khai bảy nhiệm vụ trọng tâm được đặt ra từ đầu nhiệm kỳ.
Thế mới hay bộ trưởng ở các nước họ quá non tay. Nếu các vị bộ trưởng ở xứ người biết bám vào những kế hoạch đặt ra từ đầu nhiệm kỳ như bà Tiến thì đâu đến nỗi nhiều vị phải mất ghế oan. Phải chi trong điều hành và xử lý công việc bà Tiến cũng có thái độ quyết đoán như câu “Tôi không thể từ chức” của bà.
Chỉ số tham nhũng có tính ổn định
Đó là phát biểu của Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh tại buổi tọa đàm Chung tay phòng, chống tham nhũng vì sự phát triển do Thanh tra Chính phủ cùng với Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tổ chức nhân Ngày quốc tế phòng, chống tham nhũng. Ông Tranh nhận định: “Trong ba năm qua, chỉ số cảm nhận tham nhũng của Việt Nam không tụt cũng không tăng, có nghĩa là có tính ổn định… Kết quả phòng, chống tham nhũng hiện nay chưa đạt kết quả như mong muốn, chưa từng bước đẩy lùi được tham nhũng”.
Tham nhũng đang là vấn nạn nhức nhối của cả nước. Nhưng với cách nói của ông tổng thanh tra, người ta có cảm nhận như ông đang báo cáo thành tích ở một hội nghị thi đua chứ không phải đang nói về tệ nạn. Mặt khác, cách nói này cũng có thể hiểu là cổ súy cho tham nhũng chứ không phải là chống tham nhũng.
“Quyền im lặng không phải quyền con người”
Trả lời phỏng vấn của VTV, ĐB Đỗ Văn Đương - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khẳng định quyền im lặng không thể đưa vào trong luật vì không nhất thiết phải có quyền im lặng trong luật vẫn có thể sử dụng nhiều biện pháp khác để thực thi giám sát chặt chẽ quá trình điều tra vụ án, giảm bức cung, án oan sai.
Ông cho biết: “Quyền im lặng khác với quyền bào chữa. Quyền im lặng không phải quyền con người, mà quyền bào chữa mới là quyền cơ bản của người phạm tội trong tố tụng hình sự. Nó nhằm thực hiện chức năng gỡ tội”.
Nghe xong có người buột miệng: “Quyền im lặng không phải quyền con người thế nó là quyền con gì”?!
Người mới xuất viện ở bệnh viện tâm thần cũng ứng cử
ĐB Trần Du Lịch có phát biểu đáng ngẫm: “Thế này thì người mới xuất viện ở bệnh viện tâm thần cũng ứng cử được”. ĐB Phạm Khánh Phong Lan cho rằng những người ra ứng cử phải có lý lịch tư pháp, có khám sức khỏe, nhất là sức khỏe tâm thần. Đúng là từ ngày lập quốc tới nay, lịch sử Quốc hội chưa bao giờ có chuyện thảo luận xây dựng luật mà cứ như chuyện hài thế này!