Hiện nay có rất nhiều ý kiến và những băn khoăn xung quanh quy định xử lý vi phạm về nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Trong đó, một số người dân thắc mắc việc người tham gia giao thông đang dừng đèn đỏ thì Cảnh sát giao thông có được kiểm tra nồng độ cồn?
Trao đổi với PLO, Luật sư Đoàn Thị Hồng Linh, Đoàn luật sư TP.HCM cho biết việc Cảnh sát giao thông kiểm soát, kiểm tra, xử lý vi phạm về nồng độ cồn hiện nay được thực hiện dưới hai hình thức gồm kiểm soát, kiểm tra tại một điểm trên tuyến đường giao thông, Trạm Cảnh sát giao thông hoặc tuần tra, kiểm soát lưu động.
Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 8 Thông tư số 32/2023 của Bộ Công an, quyền hạn của Cảnh sát giao thông trong tuần tra, kiểm soát: “Được dừng các phương tiện tham gia giao thông đường bộ (sau đây viết gọn là phương tiện giao thông) theo quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008, Thông tư này và quy định của pháp luật có liên quan”.
Cũng theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Thông tư số 32/2023 thì Cảnh sát giao thông thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát theo kế hoạch được dừng phương tiện giao thông để kiểm soát trong các trường hợp sau: Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, thu thập được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác;
Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trật tự xã hội; kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trật tự xã hội đã được cấp có thẩm quyền ban hành;
Có văn bản đề nghị của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện giao thông để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự; đấu tranh phòng, chống tội phạm; phòng, chống thiên tai, cháy nổ; phòng, chống dịch bệnh; cứu nạn, cứu hộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Văn bản đề nghị phải ghi cụ thể thời gian, tuyến đường, phương tiện giao thông dừng để kiểm soát, xử lý, lực lượng tham gia phối hợp;
Có tin báo, phản ánh, kiến nghị, tố giác của tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
Đồng thời, tại khoản 3.38 Điều 3 Quy chuẩn QCVN41:2019 của Bộ GTVT quy định khái niệm “Người tham gia giao thông là người điều khiển; người sử dụng phương tiện tham gia giao thông đường bộ; người điều khiển, dẫn dắt súc vật; người đi bộ trên đường”.
"Như vậy, người điều khiển phương tiện giao thông khi dừng đèn đỏ theo tín hiệu đèn giao thông vẫn được coi là người đang tham gia giao thông. Do đó, Cảnh sát giao thông có quyền kiểm tra nồng độ cồn khi người tham gia giao thông đang dừng đèn đỏ"- luật sư Hồng Linh cho hay.
Cũng theo luật sư, việc dừng, kiểm soát phương tiện giao thông phải đảm bảo các yêu cầu sau đây: An toàn, đúng quy định của pháp luật, không gây cản trở đến hoạt động giao thông và khi đã dừng phương tiện giao thông phải thực hiện việc kiểm soát, xử lý vi phạm (nếu có) theo quy định (khoản 2 Điều 16 Thông tư số 32/2023).
"Đồng thời, việc dừng, kiểm soát phương tiện giao thông để kiểm tra phải đảm bảo đúng hiệu lệnh theo quy định, việc cán bộ cảnh sát giao thông thực thi nhiệm vụ phải đảm bảo minh bạch và đúng quy định pháp luật, tránh việc lạm quyền, làm khó người dân đang tham gia giao thông, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người dân"- luật sư Hồng Linh nói thêm.