Đằng sau 7 vụ phóng tên lửa trong 2 tuần của Triều Tiên

(PLO)- Giới quan sát cho rằng việc Triều Tiên liên tục phóng tên lửa gần đây có liên quan đến việc Mỹ và đồng minh đang tập trung cho chiến sự Nga - Ukraine.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 9-10, quân đội Hàn Quốc và Nhật cùng lúc ra thông báo Triều Tiên đã phóng hai tên lửa đạn đạo tầm ngắn về phía vùng biển phía đông Bình Nhưỡng. Tên lửa thứ nhất di chuyển quãng đường 350 km, đạt độ cao tối đa 100 km. Tên lửa thứ hai cũng đạt tầm bắn tương tự. Cả hai sau đó đều rơi xuống bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế Nhật, theo hãng tin AFP.

Đây là vụ phóng tên lửa thứ bảy của Triều Tiên trong hai tuần trở lại đây và là vụ phóng thứ 25 tính từ đầu năm, trong bối cảnh Mỹ đang tăng cường các hoạt động quân sự chung với hai đồng minh Đông Á.

Hình ảnh được cho là tên lửa đạn đạo tầm ngắn phóng thử ngày 9-10 do truyền thông Triều Tiên cung cấp. Ảnh: KCNA

Hình ảnh được cho là tên lửa đạn đạo tầm ngắn phóng thử ngày 9-10 do truyền thông Triều Tiên cung cấp. Ảnh: KCNA

Đòn cảnh báo của Triều Tiên

Theo hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA ngày 10-10, các vụ phóng tên lửa gần đây đều có sự giám sát trực tiếp của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Một tên lửa đạn đạo đất đối đất tầm trung thế hệ mới đã thành công bay qua lãnh thổ của Nhật. Ngoài ra, một tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm có khả năng mang đầu đạn hạt nhân cũng được xác nhận đã triển khai thành công. Đây được cho là một phần trong hệ thống mới được thiết kế để tấn công mục tiêu sân bay, bến cảng và cơ sở chỉ huy của Hàn Quốc.

KCNA tuyên bố việc phóng tên lửa là nhằm phản ứng trước các cuộc tập trận thường xuyên giữa Mỹ, Hàn Quốc và Nhật mà Triều Tiên cho là đang trở thành mối đe dọa quân sự cho an ninh nước mình. Do đó, Bình Nhưỡng quyết định thực hiện các vụ thử trong phương diện “mô phỏng tình hình thực chiến” để kiểm tra, cải thiện khả năng răn đe hạt nhân và gửi thông điệp đến đối thủ.

Trước đó, ngày 8-10, KCNA dẫn lời phát ngôn viên của cơ quan quản lý hàng không nước này rằng “các vụ thử tên lửa của chúng tôi là một biện pháp tự vệ thông thường, được lên kế hoạch nhằm bảo vệ an ninh của Triều Tiên và hòa bình khu vực trước các mối đe dọa quân sự trực tiếp từ Mỹ”.

“Các hành động cố ý và vô trách nhiệm của Mỹ và Hàn Quốc trong việc leo thang căng thẳng sẽ chỉ khiến chúng tôi phản ứng mạnh hơn. Triều Tiên luôn theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình khu vực” - KCNA.

Giới chuyên gia nói gì?

Nhiều nhà phân tích nhận định có một vài lý do khiến Triều Tiên thử tên lửa liên tục như hiện nay. Đầu tiên, có thể chỉ đơn giản lúc này là thời điểm thích hợp để thử tên lửa sau thời gian Triều Tiên phải dồn sức để phòng chống dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, theo TS Jeffrey Lewis thuộc Viện nghiên cứu quốc tế Middlebury (Mỹ), thời gian qua Triều Tiên đã không phóng tên lửa vì điều kiện thời tiết bất lợi như mùa hè nhiều bão và khi tình hình cải thiện hơn thì nước này khởi động lại cũng là chuyện bình thường.

Theo GS Andrei Lankov thuộc ĐH Kookmin (Hàn Quốc), Bình Nhưỡng có thể không phóng tên lửa là do những cân nhắc chính trị và vì thế các kỹ sư, tướng lĩnh nước này rất muốn đảm bảo vũ khí vẫn còn hoạt động tốt.

Chuyên gia này chia sẻ thêm rằng ông Kim Jong-un rất có thể còn muốn gửi đi thông điệp rõ ràng qua việc phô diễn vũ khí trong bối cảnh các cuộc xung đột trên toàn cầu gia tăng. Theo ông Lankov, “Triều Tiên có lẽ muốn nhắc nhở thế giới về sự hiện diện của họ và rằng các kỹ sư của nước này đang làm việc suốt ngày đêm để phát triển cả vũ khí hạt nhân lẫn các hệ thống đi kèm”.

Đồng quan điểm, cựu Giám đốc Trung tâm tình báo hỗn hợp thuộc Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ - ông Carl O.Schuster đánh giá Triều Tiên phóng tên lửa để gây sự chú ý nhưng đồng thời cũng là để tạo sức ép buộc Mỹ và đồng minh ở Đông Á phải đối thoại. Bình Nhưỡng có thể nhận thấy sự cần thiết của việc hành động ngay bây giờ khi phương Tây đang bị phân tâm với cuộc xung đột Nga - Ukraine.•

Liệu Triều Tiên có tiếp tục phóng tên lửa không?

Theo chuyên gia Carl O.Schuster, các vụ thử nghiệm tên lửa của Triều Tiên thường có hai mục đích chính là thể hiện năng lực quân sự và củng cố vai trò của Bình Nhưỡng, vị thế của lãnh đạo Kim Jong-un. Do đó, rất có thể Triều Tiên sẽ còn tiếp tục phát triển các loại vũ khí như tên lửa đạn đạo liên lục địa và tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm cho đến khi “họ cảm thấy hài lòng”.

Một rủi ro khác là Bình Nhưỡng có thể thử vũ khí hạt nhân. Các quan chức Hàn Quốc và Mỹ đã cảnh báo từ tháng 5 rằng Bình Nhưỡng có thể đang chuẩn bị cho một vụ thử hạt nhân khi các hình ảnh vệ tinh cho thấy có hoạt động tại bãi thử hạt nhân dưới lòng đất của Triều Tiên. Báo cáo ngày 8-10 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nêu rõ rằng từ tháng 3 Triều Tiên đã bắt đầu đào lại lối vào đường hầm tại bãi thử hạt nhân Punggye-ri và xây dựng lại các tòa nhà hỗ trợ, vốn bị tháo dỡ vào tháng 5-2018.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm