Trong năm 2016, trên địa bàn TP.HCM đã xảy ra 2.223 tai nạn, sự cố liên quan đến cháy nổ và cứu nạn, cứu hộ.
Các tai nạn sự cố liên quan đến cháy nổ và cứu nạn, cứu hộ tăng mạnh và xuất hiện với tần suất ngày càng nhiều hơn, đồng thời diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường, gây ra hậu quả nghiêm trọng cả về người và tài sản.
Đại tá Lê Tấn Bửu - Giám đốc Cảnh sát PCCC TP.HCM thông tin như trên tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2016 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2017 của Cảnh sát PCCC TP.HCM. Hội nghị vừa diễn ra sáng 6-1.
Đại tá Lê Tấn Bửu, Giám đốc Cảnh sát PCCC TP.HCM. Ảnh: NGUYỄN TRÀ
Đại tá Trần Thanh Châu - Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC TP.HCM cho biết: “Trong hơn một tháng đầu năm 2017 đã có 13 người thiệt mạng do cháy, nổ, con số này gần gấp đôi cả năm 2016. Cụ thể, năm 2016, TP.HCM xảy ra 361 vụ cháy khiến tám người tử vong. Trong khi chỉ mới hơn một tháng đầu năm 2017, 12 vụ cháy nghiêm trọng đã khiến 13 người thiệt mạng. Số vụ cháy nổ gây thiệt hại về người chủ yếu xảy ra ở các hộ dân nhỏ lẻ, sử dụng nhà ở làm kinh doanh.”
Vụ cháy tại ngôi nhà số 453/6 Lê Văn Sỹ, phường 12, quận 3 (TP.HCM) khiến sáu người chết, hai người bị thương ngày 16-11 vẫn khiến dư luận rùng mình. Vụ hỏa hoạn nghiêm trọng xảy ra vào sáng 2-1 tại một căn nhà cấp 4 trong hẻm 207 đường Bạch Đằng, phường 15, quận Bình Thạnh, TP.HCM khiến một người đàn ông tử vong.
Gần đây nhất, vào sáng 4-1, ông Nguyễn Văn Triệu, chở một thùng phuy kim loại còn nắp đậy đến nhà người quen trên đường Nguyễn Xiển, phường Long Bình, quận 9, TP.HCM để cắt đôi. Trong lúc cắt, bất ngờ thùng phuy phát nổ, nắp thùng phuy văng ra đập thẳng vào bụng khiến ông Triệu chết tại chỗ…
Hiện trường vụ cháy tại ngôi nhà số 453/6 Lê Văn Sỹ, phường 12, quận 3 khiến sáu người chết. Ảnh: NGUYỄN TÂN
“Ý thức chủ quan, không chấp hành các biện pháp PCCC, chưa có quy chuẩn PCCC và sự quản lý còn cực kỳ buông lỏng là những nguyên nhân khiến cháy nổ xảy ra gây thiệt hại nghiêm trọng về người. Ai quản lý, quản lý như thế nào? Việc hộ dân sử dụng nhà ở làm kinh doanh không thuộc danh mục quản lý, đây là một lỗ hổng rất lớn” - Đại tá Trần Thanh Châu khẳng định.
Hiện nay Cảnh sát PCCC TP.HCM đã ra kiến nghị UBND để giải quyết vấn đề này. Ngoài ra đối với hiện tượng cháy nổ ở các cơ sở kinh doanh sản xuất, Cảnh sát PCCC TP.HCM cũng đã ra nghị quyết xử lý trước khi luật PCCC chính thức có hiệu lực.
6 người chết do cháy nổ trong năm 2016
Đại tá Lê Tấn Bửu cho biết trong năm 2016 đã xảy ra 361 vụ cháy, 1.583 điểm báo xảy ra sự cố cháy, 16 vụ cháy do tự đốt. Các vụ cháy đã làm chết tám người, bị thương 27 người, ước tính thiệt hại tiền khoảng 260 tỉ đồng. Lực lượng Cảnh sát PCCC TP đã cứu được 29 người trong các vụ cháy. So với năm 2015, số người chết năm 2016 tăng hai người, các vụ cháy chết người đều xảy ra tại các hộ gia đình kết hợp nơi ở làm nơi kinh doanh, buôn bán (chiếm 7/8 người chết). Số vụ cháy tập trung tại các khu dân cư, chủ yếu là các nhà dân đơn lẻ, số vụ cháy tại các công ty doanh nghiệp cơ sở cũng tăng mạnh cụ thể tăng 18 vụ và diễn biến phức tạp hơn (tăng một người chết và 10 người bị thương) và thiệt hại về tài sản do khi xảy ra cháy tại các đối tượng này chiếm tỉ lệ lớn hơn cho thấy nguy cơ cháy gây chết người và gây thiệt hại về tài sản vẫn luôn tiềm ẩn. Bên cạnh đó, có 263 vụ tai nạn, sự cố cần tổ chức cứu nạn, cứu hộ. Kết quả, lực lượng cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ đã hướng dẫn cho hơn 300 người tự thoát nạn, tổ chức cứu được 62 người và tìm được 46 thi thể nạn nhân, hút nước chống ngập tại 73 điểm ngập úng trên địa bàn 15 quận, huyện, cứu được 200 xe ô tô các loại và gần 2.000 xe máy và nhiều tài sản khác của Nhà nước và nhân dân. |