TP.HCM đã và đang kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đủ năng lực tham gia đấu thầu xử lý rác, cùng chung tay giảm thiểu ô nhiễm môi trường, xây dựng thành phố xanh - sạch - đẹp, hướng đến đô thị thông minh.
Bộ tiêu chí gói thầu gắt gao…
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP.HCM, hiện nay lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn thành phố khoảng 8.000 - 8.500 tấn/ngày, chưa kể khối lượng rác từ lĩnh vực công nghiệp, xây dựng. Con số này sẽ tăng nhiều trong thời gian tới.
Sở TN-MT cho biết, Sở đã công bố bộ tiêu chí cơ bản bước đầu để các nhà đầu tư quan tâm, làm căn cứ thực hiện và nộp hồ sơ báo cáo đầu tư dự án, tham gia vào danh sách đấu thầu chọn nhà đầu tư xử lý rác cho thành phố. Dự án xử lý rác sinh hoạt bằng công nghệ đốt phát điện kêu gọi đầu tư đợt này có công suất 1.000 tấn/ngày, đơn giá xử lý không quá 21 USD/tấn, xử lý rác sinh hoạt của TP.HCM chưa qua phân loại. Các nhà đầu tư cam kết và chấp thuận điều kiện ràng buộc hợp đồng về đảm bảo thiết bị máy móc; yêu cầu đảm bảo vận hành cơ sở xử lý chất thải rắn liên tục trong thời gian bảo hành, sửa chữa hoặc gặp sự cố… Đồng thời, TP.HCM sẽ ưu tiên cho những nhà đầu tư có kinh nghiệm thực hiện đầu tư và vận hành các dự án đốt rác phát điện tương tự có công suất trên 1.000 tấn/ngày. Đối với các tiêu chí về công nghệ, vận hành, thực hiện ưu tiên tự động hóa của dây chuyền thiết bị theo tiêu chuẩn các nước G7; có hệ thống phân loại để thu hồi tái chế trước khi đốt; thiết kế modul đảm bảo khối lượng trong trường hợp khối lượng rác vượt 1.000 tấn/ngày; có phương án tiêu thụ điện năng và sản xuất điện năng; bắt buộc tỷ lệ chất thải rắn thứ cấp phát sinh từ lò đốt rác dưới 10%; ưu tiên các công trình trực tiếp tiếp nhận rác, tất cả hạng mục phát sinh mùi đều phải có thiết kế đảm bảo kín; ưu tiên nhà đầu tư có cam kết giáo dục - đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực địa phương, hỗ trợ độc hại cho cư dân địa phương.
Doanh nghiệp Việt khó đáp ứng tiêu chí bộ thầu
Ghi nhận thực tế tại một số doanh nghiệp xử lý chất thải trong nước cho thấy, phần lớn các doanh nghiệp này không thể đáp ứng được hết các tiêu chí mà TP.HCM đưa ra. Chẳng hạn như vốn đối ứng, cung cấp về thông số, máy móc thiết bị hay đơn giá xử lý quá thấp...
Trao đổi với chúng tôi, ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM, cho biết đây là bộ tiêu chí rất cao, rất khó để các doanh nghiệp Việt đáp ứng được. Chỉ có doanh nghiệp nước ngoài hay doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mới có thể đáp ứng được. Với tiềm lực đang có, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM cũng chỉ đáp ứng được khoảng 60% bộ tiêu chí gói thầu. Song ông Nhựt cũng khẳng định sẽ cố gắng tham gia đấu thầu để có cơ hội chung tay cùng thành phố trong việc xử lý rác thải, góp phần bảo vệ môi trường.
Cũng theo nhiều doanh nghiệp, chỉ với tiêu chí doanh nghiệp phải có vốn đối ứng 50% đầu tư thì rất khó để doanh nghiệp nội tham gia. Mặt khác, các doanh nghiệp không biết có trúng thầu hay không nên trong trường hợp có khả năng xoay vòng vốn cũng không dám mạo hiểm. Không chỉ vậy, giá xử lý rác ở mức từ 17-21 USD/tấn là quá thấp, sẽ khó khăn cho nhà đầu tư. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, cùng với giá xử lý rác, thành phố cần công bố mức giá mua bán điện sạch từ hoạt động xử lý rác để chủ đầu tư còn có cơ sở tính toán chi phí đầu tư và thu hồi vốn trước khi tham gia đấu thầu.
Góp ý với TP.HCM về hướng xử lý chất thải hiện nay, nhiều chuyên gia cho rằng, công nghệ đốt chất thải tạo điện năng là một trong những giải pháp thích hợp. Việc kêu gọi các doanh nghiệp tham gia đấu thầu công khai, minh bạch trong việc xử lý rác có thu hồi năng lượng là cần thiết. Hy vọng rằng, với những quyết tâm và sự chung tay của các doanh nghiệp trong hay ngoài nước thì việc xử lý rác cho TP.HCM sẽ thuận lợi và hiệu quả hơn.