Dù không tận mắt chứng kiến thời khắc xe 16 chỗ 75B-000.52 gây tai nạn rạng sáng 30-7 tại Quảng Nam và cuộc chia ly đẫm nước mắt của thân nhân 13 nạn nhân tử vong tại thôn Lương Điền, xã Hải Sơn, huyện Hải Lăng, Quảng Trị nhưng với kinh nghiệm mấy chục năm cầm lái, từng chứng kiến nhiều vụ tai nạn giao thông tương tự, tôi hiểu nguyên nhân gây ra sự việc và thấu hiểu nỗi đau của người thân.
Đau thương là vậy, hệ lụy tột cùng là vậy nhưng tiếc thay nó lại xảy ra vì sự sơ suất không đáng có của một tài xế: “Tai nạn do tài xế ngủ gục, để xe mất lái” (Pháp Luật TP.HCMngày 31-7). Theo tôi, điều này rất có khả năng xảy ra vì người tài xế ấy cầm lái từ Đà Nẵng chạy ra nơi rước khách lúc 9 giờ tối, nghỉ ngơi chưa được một tiếng thì phải xuất phát đi Bình Định rước dâu rồi.
“Tài xế mà ngủ gật trên tay lái!” - đó là lời thảng thốt không những của hành khách trên xe mà còn của giới trong nghề. Bởi tài xế ngủ gục trong khi lái xe là bị “hung thần” nhập vào. “Hung thần” nhập vào tài xế nào là xe ấy gây tai nạn tức khắc. Đã có nhiều vụ tai nạn thảm khốc do tài xế ngủ gật gây ra là tấm gương thấu trời, cảnh báo cho những tài xế đang ôm vô lăng kiếm sống để mà đề phòng, để mà cảnh giác, vậy mà vẫn còn có nhiều tài xế khác chủ quan là sao?
Có rất nhiều tài xế khi đứng trước vành móng ngựa hoặc trước cơ quan chức năng lại biện minh cho lỗi lầm của mình rằng do nguyên nhân khách quan gây nên. Họ cho rằng đường sá, thời tiết, phương tiện, sức ép công việc từ chủ... gây ra. Thật là nực cười! Tài xế là một nghề kiếm sống. Đã là nghề kiếm sống, mưu cầu hạnh phúc cho chính mình thì phải có kỹ năng nghề nghiệp chứ. Nhất là một nghề đặc biệt nguy hiểm như nghề lái xe thì người cầm lái cần phải có kỹ năng nghề nghiệp rất cao mới có thể đem lại an toàn sinh mạng cho mình và cho người khác.
Theo tôi, kỹ năng phát hiện nguồn nguy hiểm có thể xảy ra trước đầu xe mình là điều kiện tối cần cho người cầm lái. Trước một chuyến đi, tài xế phải hiểu sức khỏe của chính mình trước đã. Cho nên trước chuyến đi không được thức khuya, rượu chè, cờ bạc… Việc thứ hai là phải biết tình trạng an toàn của phương tiện, nếu nghi ngờ điều gì không an toàn thì cần phải kiểm tra phương tiện thấu đáo. Thứ ba là kỹ năng phán đoán nguồn nguy hiểm có thể xảy ra cho chính xe mình. Thí dụ, xe đi trong tình hình mưa gió thì phải phán đoán hướng gió, hướng nước chảy, lưu lượng nước đổ có gây ngập, rê, lật xe mình. Xe chở đầy tải đổ dốc thì nhất định đi tốc độ thấp, trời mưa tuyệt đối không thắng gấp. Biết quan sát tình hình giao thông trước xe mình mà đi hay dừng cho phù hợp...
Trong kỹ năng phát hiện nguy hiểm của tài xế có một điều tối cần là đừng để phải ngủ gật trên tay lái, còn gọi là giấc ngủ trắng nhập vào mình. Khi có hiện tượng ríu mắt không cưỡng được thì tài xế phải dừng xe lại. Tốt nhất là đổi tài. Nếu không có người thay thế thì chợp mắt vài chục phút hoặc xuống xe vươn vai cho máu được lưu thông; rửa mặt bằng nước mát, uống cà phê, trà pha đường..., thấy tỉnh táo mới chạy tiếp. Không được chạy gắng. |