Cùng với sự tăng tốc phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường luôn là một trong những nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu của TP.HCM. Chính vì vậy, Sở TN&MT TP.HCM luôn có những chương trình tuyên truyền, hướng dẫn người dân bảo vệ môi trường, làm đẹp TP. Những công dân nhí cũng là đối tượng quan trọng không thể bỏ qua trong kế hoạch tuyên truyền của Sở. Đây chính là lực lượng nòng cốt làm nền tảng cho việc hình thành hệ ý thức sau này. Tuy nhiên, để giúp các em xây dựng, hình thành ý thức bảo vệ môi trường thì vai trò hướng dẫn của những bậc phụ huynh là rất quan trọng.
Từ những bài học hằng ngày…
Anh MT (Gò Vấp) chia sẻ: “Một lần đi du lịch nước ngoài, tôi đặc biệt ấn tượng với một nhóm trẻ chừng 7-8 tuổi đang nói chuyện với nhau trong lúc chờ xe buýt. Một đứa trong nhóm ăn chuối. Ăn xong, đứa trẻ ấy chạy ra thùng rác ở cách đó một quãng đường để vứt vỏ chuối rồi quay lại trò chuyện với các bạn. Một lần khác, ở khu ăn uống tự phục vụ, nhóm thanh niên khi ăn xong liền thu dọn chén bát, khăn giấy… trên bàn. Khi người thu gom đến, họ chỉ việc bỏ tất cả vào khay là xong. Những hành động đơn giản nhưng thể hiện ý thức rất cao và đã trở thành thói quen. Đó là những hình ảnh rất đẹp, không chỉ đẹp cho bản thân mà còn đẹp môi trường. Nếu ai cũng ý thức được như thế thì đất nước mình cũng rất đẹp và sạch”.
Nhận thức được tầm quan trọng của lực lượng công dân nhí, Sở TN&MT TP.HCM gợi ý cho các bậc phụ huynh một số cách làm nho nhỏ. Qua đó, phụ huynh có thể hướng dẫn, từng bước tạo lập thói quen cho các bé. Đầu tiên, tranh thủ những ngày nghỉ cuối tuần hay kỳ nghỉ hè, bạn nên đưa con trẻ đến công viên. Đây là dịp tốt để giáo dục, trò chuyện với chúng về sự sống của lá, cây, về tình yêu thiên nhiên, môi trường. Khi ở nhà cũng như lúc đi ra ngoài hãy hướng dẫn chúng đừng xả rác mà hãy bỏ vào đúng chỗ quy định, dạy con yêu ngôi nhà nhỏ của mình cũng như bảo vệ ngôi nhà toàn cầu. Nếu gia đình bạn có một khu vườn, hãy chỉ cho bé cách chăm sóc cây. Nếu gia đình bạn đang sống trong căn hộ, hãy mua cho chúng những chậu cây nhỏ. Mỗi năm, hãy trồng thêm những loại cây mới. Nếu đi câu cá, hãy chắc chắn rằng bạn sẽ tuân thủ quy định để qua đó bé có thể học theo để bảo vệ các loài cá. Song song đó, tắt các thiết bị điện không cần thiết; hãy cùng bé đi bộ hoặc đi xe đạp nếu có thể…
Các em nhỏ tham dự ngày hội vẽ tranh bảo vệ môi trường do Sở TN&MT TP.HCM tổ chức (năm 2015). Ảnh: N.CHÂU
… Đến những bài học lớn hơn
Khi con trẻ đã đủ khả năng nhận thức, lắng nghe thì hãy trao đổi với chúng về những chủ đề lớn hơn. Chẳng hạn như sự ấm lên toàn cầu, mặc dù còn nhiều thông tin tranh luận về chủ đề này nhưng nó đều được thể hiện trong các nghiên cứu khoa học. Hành tinh chúng ta đang ấm lên nhanh chóng cùng với sự phát triển của toàn cầu hóa, công nghiệp hóa. Sự gia tăng nhiệt độ có vẻ như nhẹ nhưng nó đủ để gây ra hiện tượng băng tan, làm suy giảm số lượng các loài gấu Bắc cực và nhiều vấn đề sinh thái khác. Vì vậy, bạn hãy dành thời gian để thảo luận điều này với con, hãy giải thích với chúng làm thế nào để có thể thay đổi bằng những hành động của mình. Nhất là bảo vệ những chú gấu và các động vật Bắc cực khác đang gặp nguy hiểm.
Ở một TP hiện đại, chắc chắn không thể thiếu sự xuất hiện của những chiếc thùng rác. Nhiều đứa trẻ vẫn chưa biết quá trình thu gom rác và tác hại với môi trường khi không bỏ rác đúng nơi quy định. Để giáo dục con em mình về vấn đề này, bạn có thể chỉ cho chúng thông qua hình ảnh, video, các đoạn phim tư liệu… của những bãi chôn lấp thực tế. Hãy giải thích tại sao một số vật liệu phải mất hàng trăm năm hoặc nhiều hơn thế để phân hủy. Đặc biệt, tác hại của chúng qua việc thẩm thấu vào đất, không khí và nước ngầm là rất lớn. Mặt khác, tái chế lại giúp các sản phẩm có được cơ hội mới để phục vụ đời sống con người, giảm chôn lấp. Hãy giúp bé hiểu tầm quan trọng của tái chế, giảm chất thải; làm thế nào để nhận biết các sản phẩm, chất liệu có thể tái chế, thân thiện với môi trường.