Đơn cử, giá vé xe khách Hà Nội đi Yên Bái được niêm yết 100.000 đồng/lượt nhưng chiều 29-4 đã bị đẩy lên đến 250.000 đồng. Còn tại các khu vui chơi công cộng, giá vé gửi xe cũng bị đẩy lên gấp ba, gấp bốn lần khiến nhiều người đến để vui mà lại không vui nổi. Còn rất nhiều mặt hàng khác cũng tăng giá vù vù trong dịp này. Lý do chính được đưa ra: “Lễ mà!”.
Thông tư 104/2008 về quản lý giá của Bộ Tài chính có quy định chủ tịch tỉnh cũng có quyền bổ sung các mặt hàng, dịch vụ để giữ ổn định giá tại địa phương mình nếu mặt hàng đó có tăng giá bất thường. Ví dụ, tại địa phương A, vào mùa du lịch giá thuê phòng có nguy cơ biến động, lãnh đạo địa phương phải có biện pháp kìm giá lại. Vậy vào dịp lễ này, việc ổn định giá cước xe khách, vé trông giữ xe tại khu vui chơi công cộng sao chưa được địa phương nào quan tâm?
Thực hiện Nghị quyết 18/2010 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, Hà Nội đã công bố chi 500 tỉ đồng từ ngân sách nhằm giữ chỉ số tăng giá từ nay đến cuối năm không quá 0,4%/tháng. Số tiền này sẽ tạm ứng cho các doanh nghiệp vay không tính lãi suất nhằm bình ổn giá cả các mặt hàng thiết yếu như gạo, dầu ăn, rau xanh… Chỉ những lúc tăng giá bất thường mới cần sử dụng các biện pháp bình ổn. Vậy tại sao giá cước vận tải hành khách, vé trông giữ xe nơi công cộng ở thủ đô vẫn tăng “như ngựa phi” mỗi khi có cơ hội?
Thiết nghĩ cùng với việc thanh tra, kiểm tra giá cước vận tải hành khách, nhà nước nên có giải pháp như hỗ trợ nhà xe vay một phần vốn không lãi suất và yêu cầu họ cam kết không tăng giá cao hơn mức niêm yết. Với các điểm trông giữ xe nơi công cộng cũng vậy, giá cần được ổn định thì dân mới yên và vui lòng hơn trong mỗi dịp lễ tết.
LÊ THANH