Đó là một trong những nội dung được Hiệp hội bất động sản Tp.HCM (HoREA) đưa ra tại văn bản gửi UBND thành phố và Sở Xây dựng vào chiều muộn nay, ngày 8-8, nhằm góp ý qui định về bồi thường, hỗ trợ, tạm cư và tái định cư tại các dự án chung cư cũ.
Theo đó, liên quan đến việc Sở Xây dựng đề xuất trường hợp Nhà nước lựa chọn chủ đầu tư thì thực hiện duy nhất phương thức tái định cư tại chỗ để phù hợp với điều kiện thực tiễn của thành phố.
Cụ thể Sở Xây dựng cho rằng đối với các chung cư do Nhà nước lựa chọn chủ đầu tư thì Nhà nước sẽ tổ chức tạm cư, lựa chọn chủ đầu tư xây dựng và bàn giao quỹ nhà để tái định cư tại chỗ cho các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân là chủ sở hữu hoặc chủ sử dụng hợp lệ tại nhà chung cư đó, không thực hiện phương thức bồi thường”
Tuy nhiên, HoREA cho rằng đề xuất nêu trên của Sở Xây dựng chỉ mới đề xuất áp dụng một phương thức tái định cư tại chỗ, nhưng chưa bao gồm phương thức tái định cư tại địa điểm khác, hoặc phương thức người dân yêu cầu được bồi thường bằng tiền mặt để tự lo tái định cư theo quy định của Luật Nhà ở.
“Nếu thành phố chỉ quy định một phương thức tái định cư tại chỗ thì đã hạn chế quyền lựa chọn phương thức tái định cư của các hộ dân trong chung cư, dễ dẫn đến khiếu kiện”, ông Châu nhấn mạnh.
Do vậy, đối với quyền lựa chọn phương thức tái định cư của chủ sở hữu nhà chung cư, HoREA cho rằng thành phố không chỉ "thực hiện duy nhất phương thức tái định cư tại chỗ" mà còn cần vận động giải thích, đi đến sự đồng thuận để khuyến khích chủ sở hữu nhà chung cư lựa chọn vì đây là phương thức có lợi nhất.
Đồng thời HoREA cũng kiến nghị vẫn cần phải bổ sung thêm phương thức tái định cư ở địa điểm khác, hoặc phương thức người dân yêu cầu được bồi thường bằng tiền mặt để tự lo tái định cư theo quy định của pháp luật, đi đôi với việc thực hiện chu đáo, thỏa đáng công tác tạm cư trong thời gian chờ đợi trở về tái định cư.
Về hệ số hoán đổi căn hộ chung cư, nên khuyến khích các chủ đầu tư hoán đổi căn hộ mới lớn hơn căn hộ cũ, tối thiểu căn hộ mới có diện tích bằng 1,1 lần diện tích căn hộ cũ. Đảm bảo chủ sở hữu căn hộ góc cũng được tái bố trí căn hộ góc. Chủ sở hữu căn hộ tầng trệt hoặc đang kinh doanh thì được hoán đổi căn hộ mới với hệ số hoán đổi cao hơn.
Chủ sở hữu chung cư được quyền chuyển nhượng căn hộ mới, căn hộ hình thành trong tương lai hoặc suất tái định cư. Chủ hộ ghép trong chung cư cũng được quyền chuyển nhượng suất tái định cư theo nhu cầu.
Đối với những căn hộ cũ có từ hai hộ khẩu trở lên thì nên giải quyết tái định cư tại chỗ theo nguyên tắc là bố trí tái định cư theo hướng bảo toàn giá trị pháp lý của căn hộ cũ và đối với hộ gia đình đông người có từ hai hộ khẩu trở lên có khó khăn về chỗ ở sẽ được giải quyết bố trí tái định cư thêm một hoặc hơn một căn hộ tại dự án.
Tuy nhiên, việc sở hữu căn hộ bố trí thêm cần được giải quyết theo quy định của pháp luật về nhà ở xã hội, giá bán căn hộ này là giá bảo toàn vốn được kiểm toán đầu tư xây dựng cộng thêm 10% lợi nhuận cho nhà đầu tư và được vay từ nguồn vốn cho vay ưu đãi của TP.HCM.