Đến lượt New Zealand có ‘kế hoạch làm việc’ về an ninh hàng hải với Quần đảo Solomon

(PLO)- New Zealand coi “kế hoạch làm việc nhỏ” với Quần đảo Solomon là một “dấu hiệu tích cực”, sau thỏa thuận an ninh giữa Trung Quốc với đảo quốc Thái Bình Dương.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bộ trưởng Quốc phòng New Zealand – ông Peeni Henare cho biết nước này đang phát triển “kế hoạch làm việc” về an ninh hàng hải với Quần đảo Solomon, vài tháng sau khi xuất hiện tin tức về hiệp ước an ninh của Trung Quốc với đảo quốc Thái Bình Dương.

Bộ trưởng Quốc phòng New Zealand – ông Peeni Henare. Ảnh: RNZ

Bộ trưởng Quốc phòng New Zealand – ông Peeni Henare. Ảnh: RNZ

Theo tờ The Guardian, trong một cuộc phỏng vấn với báo điện tử Newsroom của New Zealand được đăng tải hôm 14-6, ông Henare nói rằng hai nước đã bắt đầu thảo luận về một "kế hoạch làm việc", tập trung vào an ninh hàng hải, sau cuộc gặp của ông với Bộ trưởng An ninh quốc gia của Quần đảo Solomon - ông Anthony Veke, vào cuối tuần qua.

“Tôi sẽ không đi sâu vào chi tiết của kế hoạch làm việc nhưng đó là một dấu hiệu tích cực, và hai bên có việc phải làm ngay bây giờ để theo dõi phần công việc cụ thể đó” – ông nói.

Bộ trưởng Henare cho biết an ninh hàng hải là ưu tiên hàng đầu của người đồng cấp Quần đảo Solomon. “Đó là chủ đề số một trong cuộc trò chuyện của chúng tôi, vì vậy tôi nói 'Được rồi, chúng tôi giúp đỡ bằng cách nào?”, và đó là việc tạo ra kế hoạch làm việc mà tôi vừa mô tả”.

Thỏa thuận trên, được ông Henare mô tả là một “kế hoạch làm việc nhỏ”, là một dấu hiệu khác về việc tăng cường lợi ích an ninh ở Thái Bình Dương. Sau thỏa thuận của Trung Quốc với Quần đảo Solomon vào tháng 3 và thông tin Bắc Kinh đang tìm kiếm một thỏa thuận an ninh khu vực với 10 quốc gia khác, các đồng minh khác - đặc biệt là Mỹ và Úc - đã tăng cường các nỗ lực ngoại giao tại đây.

Vào đầu tháng 6, Ngoại trưởng New Zealand – bà Nanaia Mahuta nói với The Guardian rằng chính sách đối ngoại của New Zealand về cơ bản không thay đổi bất chấp “chương trình nghị sự quyết đoán hơn từ Trung Quốc đối với Thái Bình Dương”.

Bà Mahuta khẳng định New Zealand “không cần phản ứng với bất kỳ chương trình nghị sự nào khác từ bất kỳ quốc gia nào khác”.

New Zealand đã có các thỏa thuận lâu dài ở Thái Bình Dương, bao gồm Tuyên bố Biketawa, quy định việc điều phối các ứng phó của khu vực đối với các cuộc khủng hoảng an ninh và thiên tai.

Ông Henare đã có cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phụng Hòa bên lề Đối thoại Shangri-La, một diễn đàn về an ninh châu Á, tại Singapore tuần qua. Tại cuộc gặp đó, ông Ngụy đã nêu quan ngại về việc New Zealand đang xích lại gần hơn với lập trường của Mỹ và Úc, Newsroom đưa tin.

“Tôi đã nói rõ rằng cách duy nhất để chúng ta có thể tiếp tục có những cuộc thảo luận tốt đẹp, những cuộc thảo luận có ý nghĩa là nếu có sự tin tưởng và sự minh bạch, cởi mở. Tôi nói, ‘Cánh cửa của tôi luôn rộng mở để nói chuyện’, bởi điều quan trọng là họ nghe thấy quan điểm của chúng tôi và ở nơi tôi có thể truyền đạt một số thông điệp và phản hồi mà tôi nhận được từ gia đình đảo quốc Thái Bình Dương của chúng tôi” – ông Hanare nói.

Văn phòng Thủ tướng Quần đảo Solomon và văn phòng của ông Hanare chưa phản hồi yêu cầu bình luận của The Guardian.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm