Tổng Công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn (Samco) vừa thực hiện nghi thức cất nóc nhà ga hành khách chính của dự án Bến xe Miền Đông mới, tọa lạc tại phường Long Bình, quận 9.
Khối nhà ga chính gồm hai tầng hầm, bốn tầng nổi với tổng diện tích sàn xây dựng hơn 60.000 m2 với các công năng nơi đón khách đi đến, chờ lên xe, nghỉ ngơi, mua sắm... Trong ảnh: Khu vực sàn tầng bốn vừa được thực hiện nghi thức đổ bê tông cất nóc xong và công nhân đang hoàn thiện, thi công các hạng mục tiếp theo...
Đến nay khu vực dành cho xe buýt rộng hơn 2.000 m2 với năng lực lưu đậu, thông qua cho hơn 100 xe đi đến, đón trả khách (trong ảnh là phần phía dưới đất) đã xong toàn bộ phần hạ tầng, nền hạ và những ngày tới sẽ thi công các hạng mục kỹ thuật phía trên.
Khu vực phía sau nhà ga chính dành cho xe vào đón trả khách, khu xe chờ, đậu qua đêm cũng đã xong phần nền hạ, các công trình phụ trợ...
Theo bà Tăng Thị Thu Lý, Phó Tổng Giám đốc Samco, dự kiến đến cuối tháng 12-2018, khối nhà ga chính, khu đón trả khách, khu xe lưu đậu... sẽ xong. Bước đầu từ quý I-2019, một số tuyến xe từ Bến xe Miền Đông mới đi các tỉnh phía Bắc sẽ được dời từ bến xe hiện hữu (quận Bình Thạnh) ra hoạt động tại đây. "Việc sớm dời bến cũ ra bến mới nhằm thực hiện chủ trương kéo giảm ùn tắc giao thông trong khu vực nội đô của TP" - bà Lý nói.
Tuy nhiên, đến nay các hạng mục như đường trước cửa bến kết nối với quốc lộ 1A chưa được xây dựng nên chưa có cửa để xe ra vào.
Đường trục chính (trải vải đỏ thấm nhập trên nền đất phía dưới) trong bến xe đã xong nhưng hướng cửa ra chưa được TP đầu tư xây dựng nên bến mới coi như tắc đường ra vào.
Khoảng đất, công trình tiếp cận, nối kết giữa bến xe mới với tuyến metro số 1 cũng chưa được xây dựng. Cùng đó, tuyến metro số 1 (Bến Thành-Suối Tiên) đến năm 2020 mới có khả năng hoàn thành, vận hành thử. Từ đó, nguồn và lượng khách chuyển vào ra TP từ bến xe mới sẽ rất hạn chế, bến mới khó hoạt động đúng công suất.
Trong những ngày qua, các đơn vị thi công, chủ đầu tư lần tìm đường ra vào cho Bến xe Miền Đông mới nhưng tất cả đều cùng... tắc. Vì lẽ các công trình lớn như cầu vượt phía trước bến để cho các dòng xe từ miền Trung, miền Bắc vào... vẫn đang còn chờ lên phương án xây dựng. Các ngả đường để dẫn lên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây cũng tắc luôn vì hướng tiếp cận là đường đi xuyên qua Khu công nghệ cao thì lại bị "án ngữ" bất động bởi cầu vượt Trạm 2 là ranh cấm xe khách đi vào nội đô.
Hiện việc ra vào công trình xây dựng Bến xe Miền Đông phải đi bằng con đường công vụ nằm ngoài mà bến mượn tạm của quận 9. Con đường này thường dành cho xe tải, xe container lưu thông nên bị băm nát, nắng bụi, mưa lầy.
Theo một cán bộ Sở GTVT TP, do các công trình cầu, đường xung quanh và kết nối với Bến xe Miền Đông mới chưa hình thành nên việc kẻ, vẽ lộ trình mới cho các tuyến xe đi Bắc, Trung, Nam và Tây Nguyên từ bến mới là rất khó. Khi lộ trình, hướng tuyến mới chưa có và nếu có sẽ phải trình duyệt qua nhiều cấp (từ Sở GTVT đến Tổng cục Đường bộ rồi Bộ GTVT...) nên việc công bố di dời đưa Bến xe Miền Đông mới vào hoạt động từ đầu năm 2019 là rất... nhiêu khê!