Điểm tin 11-4: Nga-Ukraine trao đổi tù nhân lần 3, Mỹ phản ứng việc Nga bổ nhiệm tổng chỉ huy chiến dịch

(PLO)- Ngoại trưởng Ukraine nói 'khó khăn' khi nghĩ đến đàm phán với Nga; Nga-Ukraine trao đổi tù binh lần 3; Mỹ, Ukraine phản ứng việc Nga bổ nhiệm tổng chỉ huy chiến dịch; Mỹ không muốn thấy Ấn Độ tăng mua dầu Nga,..
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngoại trưởng Ukraine nói thật khó khăn khi nghĩ đến đàm phán với Nga sau những việc xảy ra ở Kramatorsk, Bucha; Nga-Ukraine trao đổi tù binh lần 3; Mỹ, Ukraine phản ứng việc Nga bổ nhiệm tổng chỉ huy; WB nói xung đột Nga-Ukraine khiến kinh tế các nước láng giềng suy thoái;..

Ukraine: "Cực kỳ khó khăn" khi nghĩ đến các cuộc đàm phán với Nga

Ngày 10-4, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho biết sẽ "cực kỳ khó khăn" khi nghĩ đến các cuộc đàm phán với Nga, sau vụ tấn công bằng tên lửa ở thành phố Kramatorsk và "các hành động tàn bạo ở thị trấn Bucha", theo đài CNN.

“Thật vô cùng khó khăn khi nghĩ đến việc ngồi lại với những người phạm tội hoặc tìm lý do cho tất cả những hành động tàn bạo và tội ác chiến tranh này, những người đã gây ra thiệt hại khủng khiếp như vậy cho Ukraine" - ông nói.

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba. Ảnh: AP

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba. Ảnh: AP

"Nhưng tôi hiểu một điều - nếu ngồi lại với phía Nga sẽ giúp tôi ngăn chặn ít nhất một vụ thảm sát, như ở Bucha, hoặc ít nhất là một cuộc tấn công khác ở Kramatorsk, tôi phải nắm lấy cơ hội đó" - ông nói thêm.

Ít nhất 52 người chết và hàng chục người bị thương sau khi cuộc tấn công bằng tên lửa ngày 8-4 phá hủy một ga đường sắt ở Kramatorsk. Ukraine cáo buộc Nga thực hiện cuộc tấn công.

Nga-Ukraine trao đổi tù nhân lần 3

Ngày 10-4, Ủy viên Nhân quyền Nga Tatiana Moskalkova xác nhận rằng Nga và Ukraine đã tiến hành trao đổi tù nhân vào một ngày trước đó, theo hãng tin Reuters.

Theo bà Moskalkova, trong số những người trở về Nga có 4 nhân viên của tập đoàn năng lượng nguyên tử nhà nước Rosatom, binh lính và một số thường dân khác.

"Sáng sớm nay, họ đã hạ cánh xuống lãnh thổ Nga" - bà Moskalkova cho biết.

Ngày 9-4, một cuộc trao đổi tài xế xe tải giữa Nga và Ukraine cũng đã được tiến hành. 32 tài xế xe tải Nga, 20 người Ukraine và một số công dân Belarus đã được trao đổi, bà Moskalkova cho biết.

Theo Phó Thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk, 12 binh sĩ của nước này đã được trao trả sau cuộc trao đổi tù nhân với Nga. Đây là lần trao đổi thứ ba kể từ khi xung đột nổ ra.

Bà Vereshchuk nói rằng 14 thường dân cũng đang trở về Ukraine như một phần của thỏa thuận.

Mỹ, Ukraine phản ứng việc Nga bổ nhiệm tổng chỉ huy chiến dịch ở Ukraine

Ngày 10-4, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nói việc Nga bổ nhiệm lãnh đạo quân sự mới, "cho thấy rằng sẽ có sự tiếp nối của những gì chúng ta đã thấy trên thực địa ở Ukraine", theo CNN.

“Và đó là những gì chúng tôi đã dự đoán trước" - bà Psaki nói trên kênh Fox News.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki. Ảnh: GETTY

Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki. Ảnh: GETTY

Bà Psaki gọi Tướng Alexander Dvornikov do Tổng thống Nga Valadimir Putin bổ nhiệm làm chỉ huy chiến dịch Ukraine là người chịu trách nhiệm về “những hành động tàn bạo mà chúng tôi đã thấy ở Syria.

Bà nói rằng đối với Ukraine, Mỹ tiếp tục cùng các quan chức làm việc để đảm bảo họ có vũ khí và sự hỗ trợ cần thiết để thành công trên chiến trường.

Bà Psaki cũng cho biết chính quyền đã nhận thấy sự thừa nhận từ Điện Kremlin rằng lực lượng của họ đã phải chịu tổn thất lớn.

“Nó rất quan trọng" - bà nói và gọi nó là sự phản ánh “lòng dũng cảm của các nhà lãnh đạo Ukraine”.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho biết kế hoạch ban đầu của Nga về chiến dịch quân sự ở Ukraine "đã thất bại" và "lịch sử sẽ chứng minh kế hoạch của ai sẽ thắng thế", sau khi Nga bổ nhiệm tổng chỉ huy mới.

Khi được yêu cầu bình luận về việc Nga bổ nhiệm tướng Dvornikov, ông Kuleba nói: "Bây giờ họ có một kế hoạch khác, nhưng chúng tôi có kế hoạch của mình".

Ông Biden sẽ nói chuyện với Thủ tướng Ấn Độ về nhập khẩu năng lượng của Nga

Reuters dẫn thông tin từ Nhà Trắng cho biết ngày 11-4, Tổng thống Joe Biden sẽ có cuộc gặp với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh Mỹ nói rõ rằng họ không muốn thấy Ấn Độ gia tăng nhập khẩu năng lượng của Nga.

"Tổng thống Biden sẽ tiếp tục các cuộc tham vấn chặt chẽ về hậu quả của Nga phải gánh chịu và giảm thiểu tác động gây mất ổn định của nước này đối với nguồn cung lương thực và thị trường hàng hóa toàn cầu" - Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết.

Ông Daleep Singh - Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ về Kinh tế Quốc tế, người đã đến thăm Ấn Độ gần đây, cho biết Washington sẽ không đặt ra bất kỳ "ranh giới đỏ" nào đối với Ấn Độ trong việc nhập khẩu năng lượng từ Nga nhưng không muốn thấy sự "tăng tốc nhanh chóng" trong việc mua hàng.

Tổng thống Joe Biden (phải) sẽ có cuộc gặp với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (trái) trong ngày 11-4. Ảnh: REUTERS

Tổng thống Joe Biden (phải) sẽ có cuộc gặp với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (trái) trong ngày 11-4. Ảnh: REUTERS

Bị hấp dẫn với giá dầu rẻ từ Nga sau các lệnh trừng phạt của phương Tây, Ấn Độ đã mua ít nhất 13 triệu thùng dầu thô của Nga kể từ cuối tháng 2. Đáng chú ý, cả năm ngoái, Ấn Độ mua khoảng 16 triệu thùng dầu từ Nga.

Quốc gia Nam Á đã cố gắng cân bằng mối quan hệ của mình với Nga và phương Tây nhưng không giống như các thành viên khác của nhóm Bộ tứ (Mỹ, Nhật và Úc), Ấn Độ đã không áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga.

WB: Xung đột Nga-Ukraine khiến nền kinh tế các nước láng giềng suy thoái

Ngân hàng Thế giới (WB) đã đo lường sự tàn phá kinh tế do cuộc xung đột Nga-Ukraine gây ra, dự đoán tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của hai quốc gia này giảm hai con số và suy thoái ở các nước láng giềng Belarus và Moldova, Reuters đưa tin.

Theo WB, Ukraine sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với nền kinh tế của nước này suy giảm 45,1% vào năm 2022. Nga, nước đang hứng chịu các lệnh trừng phạt kinh tế chưa từng có của Mỹ và các đồng minh phương Tây, sẽ có GDP ước tính giảm 11,2%.

WB cũng cho biết một số quốc gia trong khu vực sẽ buộc phải tìm kiếm sự trợ giúp từ bên ngoài để ngăn chặn các khoản nợ hiện tại của họ. Các thị trường mới nổi ở châu Âu và Trung Á sẽ bị suy giảm kinh tế 4,1% trong năm nay.

“Chiến tranh đang có tác động tàn khốc đối với cuộc sống con người và gây ra sự tàn phá kinh tế ở cả hai quốc gia, và thiệt hại kinh tế đáng kể ở châu Âu và khu vực Trung Á và phần còn lại của thế giới" - theo WB.

Giống như hai nước láng giềng của Ukraine, Kyrgyzstan và Tajikistan sẽ rơi vào suy thoái trong năm nay khi các tác động kinh tế của cuộc khủng hoảng tràn qua. Sự suy giảm kinh tế ước tính của khu vực sẽ nghiêm trọng gấp đôi so với mức sụt giảm GDP phải chịu vào năm 2020, khi đại dịch COVID-19 làm gián đoạn hoạt động kinh doanh.

WB cũng đưa ra một "kịch bản đi xuống" trong đó xung đột kéo dài, nhiều lệnh trừng phạt hơn được áp đặt và giá hàng hóa tăng vọt hơn nữa. Trong trường hợp đó, GDP của Nga ước tính sẽ giảm 20%, trong khi của Ukraine sẽ giảm 75%.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm