Trao đổi với PV, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP (Ban Giao thông), cho biết cầu thép An Phú Đông nối quận 12 với Gò Vấp bắc qua sông Vàm Thuật sẽ được thông xe vào ngày 31-12.
Cầu có kết cấu bằng thép, dài 238 m, rộng 12,5 m cho hai làn ô tô, xe máy và hai lề cho người đi bộ, được khởi công từ hồi tháng 3 với tổng vốn gần 80 tỉ đồng nhằm thay phà An Phú Đông hiện hữu.
Theo kế hoạch, cầu được thông xe vào tháng 11. Tuy nhiên, giữa tháng 10 xảy ra sự cố khi cầu bị sà lan tông vào khiến tiến độ hoàn thành bị lùi đến nay.
Cầu thép An Phú Đông được thông xe vào ngày 31-12
Cầu này thông xe sẽ hiện thực hóa giấc mơ của người dân quận 12. Đây là con đường ngắn nhất để nối kết quận 12 đến quận Gò Vấp và trung tâm TP.
Trước đó, vào tháng 10 TP.HCM cũng đưa vào khai thác dự án trọng điểm có quy mô lớn nhất cả nước là Bến xe miền Đông mới (quận 9).
Dự án đang đi vào hoạt động giai đoạn 1 với 22 tuyến xe khách đi các tỉnh, TP từ Quảng Trị trở ra Bắc có cự ly tuyến 1.100 km trở lên.
Bến xe miền Đông mới vốn đầu tư 4.000 tỉ đồng, được khởi công năm 2017 trên diện tích 16 hecta. Đây là dự án trọng điểm nhằm chống ùn tắc giao thông khu vực trung tâm TP.HCM.
Vị trí của bến xe mới được kỳ vọng là đầu mối giao thông quan trọng góp phần phát triển TP Thủ Đức tương lai.
Bến xe miền Đông mới được khai trương giai đoạn 1 vào ngày 10-10.
Một dự án quy mô khác là nút giao An Sương (quận 12 và huyện Hóc Môn) với tổng đầu tư 514 tỉ đồng hoàn thành vào ngày 19-9.
Dự án được kỳ vọng góp phần giải quyết điểm đen về ùn tắc và tai nạn giao thông ở khu vực cửa ngõ Tây Bắc TP.
Nút giao thông ba tầng An Sương chính thức thông xe vào ngày 19-9.
Dự án xây dựng nút giao thông An Sương có hai giai đoạn. Giai đoạn 1 là hạng mục cầu vượt trên QL1 do Ban quản lý dự án Mỹ Thuận (thuộc Bộ GTVT) làm chủ đầu tư đã hoàn thành vào tháng 7-2002.
Tiếp theo, giai đoạn 2 được triển khai với dự án xây dựng hầm chui tại nút giao thông An Sương do Ban Giao thông làm chủ đầu tư. Quy mô của dự án bao gồm xây dựng hầm chui đôi, mỗi hầm rộng 9 m (đáp ứng hai làn xe), tổng chiều dài hai hầm là 830 m.
Sau gần 20 năm nút giao An Sương mới được hoàn thiện, trở thành nút giao thông ba tầng như hiện nay, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Nút giao An Sương trước ngày khánh thành 15-7.
Cuối cùng là dự án nâng cấp mở rộng đường Tô Ký (đoạn từ đường Đặng Thúc Vịnh đến ngã ba Bầu, huyện Hóc Môn) dài 2,4 km, khởi công tháng 10-2017 và hoàn thành ngày 3-10. Tổng mức đầu tư dự án là 217 tỉ đồng, không bao gồm chi phí GPMB.
Đường Tô Ký được nâng cấp bề rộng lên 25 m cho bốn làn xe, lắp đặt hệ thống thoát nước, cải tạo rạch Hóc Môn. Trước đây tuyến đường Tô Ký có lộ giới khoảng 7-8 m, đáp ứng loại hình xe cơ giới nhỏ và xe hai bánh lưu thông hai chiều và thường xảy ra tình trạng ùn tắc, đặc biệt là ngập nước.
Dự án nhằm cải thiện tình hình giao thông, đồng thời giải quyết tình trạng ngập nước cho khu vực Tô Ký và một phần đường Đặng Thúc Vịnh.
Dự án nâng cấp mở rộng đường Tô Ký cũng hoàn thành trong tháng 10 góp phần cải thiện tình hình giao thông và giảm ngập cho khu vực.