Điều phi thường trong sự Fair Play giản dị

Giải thưởng Fair Play hằng năm với tôi giống như một khu vườn xinh đẹp và đầy màu sắc. Trong khu vườn này có đầy đủ những loài hoa, là thành quả của những nhà tổ chức biết cách chọn giống, kích rễ, chăm phân bón lá một cách siêng năng để chọn ra cách hoa đẹp nhất, bên cạnh việc nhổ cỏ dại.

Trong suốt hơn 30 năm thường xuyên đến sân, tôi biết rõ những cảm xúc hỉ nộ ái ố của bóng đá, những vẻ đẹp và mặt trái của nó. Tôi yêu và nhớ rất nhiều trận cầu đẹp mắt chứa đựng tinh thần cao thượng của giới cầu thủ, từ xưa đến nay, từ sân cỏ ra đời thường. Và cũng là lần đầu tiên, một cơ quan báo chí cho ra đời giải thưởng Fair Play tôn vinh những hành động đẹp của làng bóng đá Việt Nam (VN).

Fair Play chính là một tấm gương cho những người làm và chơi bóng đá soi vào, như một cách tự răn mình. Đá bóng thời nay có tiêu cực hay cầu thủ chơi tiểu xảo, thô bạo, cổ động viên cay cú với nhau, lãnh đội gây sức ép cho trọng tài, gây áp lực lẫn nhau... người ta biết liền và đâu ai thèm coi nữa. Chính vì giải thưởng Fair Play đề cao cái đẹp, bài trừ cái xấu một cách thẳng thắn, không thiên vị nên có thể người ta chưa đủ sức làm đẹp cho mình cũng không dám làm điều gì xấu.

Hội trưởng VFS Trần Hữu Nghĩa hô hào các cổ động viên Việt Nam cổ vũ đẹp và fair play trên khán đài. Ảnh: CTV

Và cùng các thành viên trong nhóm điều hành VFS hạnh phúc khi trên sân cầu thủ chơi fair play, còn khán đài thì cổ vũ đẹp. Ảnh: CTV

Lễ trao giải 2019 sắp diễn ra với các đề cử tiêu biểu đã lột tả hết vẻ đẹp của làng bóng trong năm qua. Trong khu vườn rực rỡ sắc màu không chỉ là những đóa hoa tươi thắm từ hai đội tuyển nam, nữ VN mà còn có các loài hoa dân dã lay động trái tim người yêu bóng đá như hành động đẹp của hai cổ động viên, của trọng tài Ngô Duy Lân và hai chiến sĩ cảnh sát cơ động.

Nhìn hai chiến sĩ cảnh sát cơ động bế một em bé lên cơn động kinh ra khỏi khu vực khán đài đông cứng khán giả, một anh chịu đau đưa tay ngăn cháu bé cắn lưỡi khi co giật, tôi cảm động nghẹn ngào. Chỉ một hành động nhỏ hơn ngàn lời nói. Nó gần giống với hình ảnh đầy tính nhân văn khi trọng tài Ngô Duy Lân cũng để mặc tay mình bị cắn chảy máu trong miệng cầu thủ Thiện Đức của Bình Dương để ngăn cắn lưỡi.

Tôi đặc biệt thương các con, các cháu ở đội U-22+2 VN vô địch SEA Games lần đầu tiên sau 60 năm bằng một lối chơi đẹp trong một tình cảm thắm thiết như anh em ruột thịt. Hay trung vệ tuyển nữ quốc gia Chương Thị Kiều nén đau với hai vết chấn thương chảy máu vẫn hiên ngang sát cánh bên đồng đội đến giây phút cuối cùng.

Từ góc nhìn của người hâm mộ, tôi rất vui trong buổi trao giải “Bóng đá cao thượng” hằng năm đều có những gương mặt đại diện cho giới cổ động viên. Năm nay là hai người bạn Bùi Thị Hồng Hạnh quê Hải Phòng và chị Vũ Thị Thanh Thúy thuộc Hội Cổ động viên Quảng Ninh. Họ chính là những người thắp lửa trên khán đài trong mỗi trận đấu và đều có đặc điểm hiền lành, nhân hậu, luôn quan tâm đến người xung quanh.

Tôi biết cả hai chị thường xuyên đồng hành với các đội tuyển quốc gia, đi tự túc hoàn toàn bằng tiền túi. Cái hay của họ nhờ thâm niên... ngồi trên khán đài cổ vũ bóng đá nên thừa biết các cầu thủ dưới sân cần gì, còn ở nơi đóng quân sẽ thích thức ăn gì khi xa nhà dài ngày. Điều đáng quý của hai chị là cái cách chia sẻ tình cảm của mình đến với cầu thủ khi mua thực phẩm đặc sản quê nhà, vượt đường xa hàng ngàn cây số giúp họ bồi bổ. Tấm chân tình đó không chỉ mang cả lòng thương yêu, lo lắng của người chị, người mẹ mà hương vị của thức ăn còn giúp các cầu thủ trỗi dậy trong lòng tình yêu quê hương da diết hơn, chơi bóng cống hiến hơn.

Có thể người ta thấy hành động của hai chị cổ động viên là bình thường nhưng với tôi, điều đó thật giản dị một cách phi thường, vì chúng tôi chưa làm được như họ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm