Hải Phòng: Đột phá hạ tầng giao thông, thành cửa chính ra biển

Ông Nguyễn Đức Thọ, Giám đốc Sở GTVT Hải Phòng, nhận định Hải Phòng đã đầu tư tạo ra bước đột phá về hạ tầng giao thông làm đòn bẩy thúc đẩy phát triển KT-XH của TP trong thời gian qua.

Cầu vượt Nguyễn Văn Linh giúp giải toả tình trạng ùn tắc xe container cửa ngõ cảng biển. Ảnh: HỒNG PHONG

Giải toả ùn tắc container

Ngã 3 Đình Vũ là cửa ngõ giao thông kết nối hệ thống cảng Hải Phòng với quốc lộ 5, có tới 80% lượng hàng hoá qua cảng lưu thông qua nút giao cửa ngõ này. Cách đây chừng 4-5 năm tình trạng qúa tải, ùn tắc giao thông khu vực này diễn ra như cơm bữa bởi mỗi ngày có tới khoảng 40.000 lượt xe container qua lại, trong khi mặt bằng nút giao  hẹp như một nút thắt.

Tương tự, trên tuyến đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Văn Linh do tình trạng giao cắt trực tiếp, các nút giao với đường Lê Hồng Phong, Võ Nguyên Giáp cũng là những điểm đen về ùn tắc, tai nạn giao thông. Từ năm 2016 trở về trước trên toàn tuyến đường Đình Vũ – Nguyễn Bỉnh Khiêm – Nguyễn Văn Linh tình trạng hàng nghìn xe container kẹt cứng xếp hàng dài gần chục cây số nhiều lần diễn ra.

Để giải quyết tình trạng này, TP Hải Phòng đã đầu tư xây dựng liên tiếp 3 cây cầu vượt tại 3 nút giao trên tuyến đường dày đặc container này.

Năm 2017, cầu vượt hơn 300 tỷ đồng tại nút giao Nguyễn Bỉnh Khiêm – Lê Hồng Phong, cầu vượt ngã 3 Đình Vũ hơn 350 tỷ đồng đã hoàn thành. Tiếp đó là cầu vượt 360 tỷ được xây dựng nút giao Nguyễn Văn Linh - đường Hồ Sen - Cầu Rào 2.

Sau khi hệ thống cầu vượt được đưa vào sử dụng, tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng trên tuyến cửa ngõ ra vào cảng đã được giải quyết. Mặc dù mật độ xe container trên tuyến vẫn dày nhưng đã không còn ùn tắc cả chục cây số, các xe chỉ nhích từng chút một như trước đây. 

Cầu Hoàng Văn Thụ nối sang trung tâm TP Hải Phòng với khu đô thị mới VSIP. Ảnh: Hồng Phong

Ông Nguyễn Đức Thọ, Giám đốc Sở GTVT Hải Phòng, cho biết phương án rút hàng từ cảng Hải Phòng chủ yếu là đường bộ, chủ yếu qua cửa ngõ quốc lộ 5. Tuy nhiên, tuyến quốc lộ 5 qua khu vực nội thành giao cắt cùng mức với các tuyến đường đô thị đã tạo thành các điểm nghẽn, gây ùn tắc kéo dài, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

“Các cầu vượt trên tuyến được xây dựng tại các “điểm đen” này đã gần như triệt để giải quyết được tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài, cải thiện tình trạng mất an toàn giao thông và tăng khả năng lưu thông hàng hoá qua cảng” – ông Thọ nói.

Đầu tư hàng loạt dự án giao thông

Ông Thọ cho biết không chỉ hệ thống giao thông cửa ngõ cảng được giải quyết, từ năm 2015 tới nay, TP Hải Phòng đã có hàng loạt dự án được đưa vào khai thác tạo nên hệ thống giao thông đồng bộ.

Cùng với đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, đường ô tô Tân Vũ – Lạch Huyện, đường cao tốc Hải Phòng – Hạ Long, dự án mở rộng quốc lộ 10, các tuyến đường trục giao thông đô thị 20km, các nút giao khác mức Nam Cầu Bính, đường bao tây nam, đường trục Đình Vũ và hàng loạt công trình cầu đường ở Thuỷ Nguyên, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo… đã đi vào hoạt động.

Nút giao đường trục đô thị Bắc Sơn - Nam Hải và đường Hồ Sen - Cầu Rào 2. Ảnh: Hồng Phong

Hải Phòng đang triển khai dự án tuyến đường bộ ven biển, các tuyến nối vào tuyến đường ven biển, dự án đường Hồ Sen – Cầu Rào 2, đường liên phường tại quận Hải An nối quốc lộ 5 với đường trục đô thị Bắc Sơn – Nam Hải, các dự án cầu đường kết nối với các địa phương thuộc tỉnh Thái Bình, Hải Dương.

Sắp tới,Hải Phòng sẽ khởi công dự án nút giao cầu Rào hơn 2200 tỷ, cải tạo mở rộng quốc lộ 10 hơn 1200 tỷ đồng, xây dựng cầu Bến Rừng bắc qua sông Bạch Đằng hơn 2280 tỷ đồng.

Không chỉ đường bộ, về hàng không, cảng hàng không quốc tế Cát Bi đã được cải tạo nâng cấp với công suất 4 triệu hành khách/ năm và đang chuẩn bị khởi công xây dựng nhà ga T2. Về hàng hải, đã xây dựng hoàn thành đưa vào sử dụng bến số 1, số 2 cảng quốc tế Lạch Huyện và các bến cảng nam Đình Vũ. Nhiều bến cảng tại khu vực Đình Vũ trên sông Cấm cũng đã hoàn thiện.

Nút giao khác mức Nam Cầu Bính. Ảnh: Hồng Phong

Ông Thọ nhận định các công trình trên hoàn thành đã từng bước hoàn chỉnh mạng lưới hạ tầng giao thông, nhất là đường bộ, làm đòn bẩy cho phát triển kinh tế - xã hội, thu hút các tập đoàn lớn trong vào ngoài nước hội tụ về Hải Phòng đầu tư. Nhờ hệ thống giao thông đồng bộ, sản lượng hàng hoá qua cảng ngày càng tăng, năm 2019 đạt hơn 129 triệu tấn hàng hoá, kim ngạch xuất khẩu năm 2019 đạt 15,77 tỷ USD, năm 2020 ước đạt 18,94 tỷ USD.

Theo ông Thọ, trong các năm tới, với sự đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông tạo thành mạng lưới đồng bộ, kết nối thuận lợi với trong nước và quốc tế bằng cả đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không, Hải Phòng trở thành đầu mối giao thông, cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc.

Theo thống kê, tổng vốn đầu tư phát triển giao thông giai đoạn 2016-2019 của Hải Phòng lên tới hơn 88.000 tỷ đồng, tổng chiều dài các tuyến đường được xây dựng, cải tạo giai đoạn này lên tới hơn 352.000km, đường nông thôn được bê tông hoá gần 4000km. Hải Phòng cũng đã hoàn thành 30 cây cầu, đang triển khai xây dựng 26 cây cầu. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm