Ngán ngẩm các dự án giao thông thi công chậm

TP.HCM đang triển khai xây dựng hàng loạt dự án nâng cấp, mở rộng đường nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân. Tuy nhiên, nhiều dự án thi công chậm, công trường bầy hầy, bê bối khiến người đi đường gặp khó khăn.

Cuộc sống người dân đảo lộn

Dự án mở rộng đường Lò Lu (phường Trường Thạnh, quận 9) do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực quận 9 làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, ghi nhận của PV vào sáng 27-10 tại hiện trường không có công nhân và máy móc thi công.

trên tuyến đường này, dù trời không mưa nhưng có nhiều đoạn bị ngập nước cộng với hố sâu giữa đường, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.

Một dự án khác là công trình nâng cấp đường Đỗ Xuân Hợp (quận 9). Công trình này vừa được mở rộng, nâng cấp một đoạn dài khoảng 1 km khu vực cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Tuy nhiên, tính đến ngày 27-10, đoạn đường còn lại rất bê bối, vào giờ cao điểm ô tô phải xếp hàng dài, nhích từng chút.

Anh Phạm Văn Tài, người dân khu vực, cho biết: “Chỉ một khúc đường ngắn thôi mà chi chít ổ gà. Sợ nguy hiểm, người dân phải tự đi tìm vật dụng để cảnh báo cho người đi đường hoặc chở xà bần lấp những ổ gà để tránh nguy hiểm”.

Trên tuyến đường Đỗ Xuân Hợp còn có công trường xây dựng cầu Nam Lý. Rào chắn xây dựng cầu này đã đứng hình nhiều năm nay, cản trở giao thông, chiếm hết phần đường của xe máy và ô tô.

Tương tự, dự án nâng cấp đường Lương Định Của (quận 2) nhiều tháng nay thi công dang dở, đây cũng là nỗi ám ảnh của người dân trong thời gian qua. Mặt đường nhựa cũ có nhiều đoạn bị cày xới sâu 20-40 cm, dài gần 1 km, lớp đất đá cốt đường cũ bị cào thành khe rãnh lởm chởm. 

Nhiều người dân phản ánh sau khi ngừng thi công, đoạn đường này thường xuyên rơi vào cảnh lầy lội, trơn trượt.

“Đường Lương Định Của là tuyến huyết mạch dẫn vào cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây mà lại bầy hầy, bê bối như thế này. Chúng tôi rất mong cơ quan chức năng quan tâm, tìm cách xử lý để đời sống của người dân không bị đảo lộn” - anh Võ Thế Chương (người dân quận 2) chia sẻ.

Người dân gặp khó khăn khi lưu thông trên đường Lương Định Của (quận 2). Ảnh: LINH PHƯƠNG

Cấm thi công 1-3 năm

Sở GTVT TP.HCM cho biết: Để công trường bê bối, gây ảnh hưởng cho người dân, trong một số trường hợp, nhà thầu dự án sẽ không được tiếp tục thi công 1-3 năm nếu vi phạm quá ba lần đối với một gói thầu. Còn đối với nhà thầu giám sát, chỉ huy trưởng công trường để công trình vi phạm nhiều lần thì cấm tham gia giám sát, chỉ huy công trình trong một năm.

Sở GTVT cho hay đối với các công trường thi công nói trên, sở đã yêu cầu các chủ đầu tư kiểm tra, giám sát các đơn vị thi công. Đối với những công trình vi phạm mà chưa chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính, cơ quan có thẩm quyền tạm thời không tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp giấy phép liên quan đến công trình đó.

Mặt khác, sở giao cho thanh tra giao thông (thuộc Sở GTVT TP.HCM) tiếp tục kiểm tra và xử lý các tổ chức, cá nhân không chấp hành quy định trong quá trình thi công dự án. Đặc biệt xử lý theo hình thức tăng nặng đối với chủ đầu tư, đơn vị thi công, giám sát thường xuyên để xảy ra vi phạm, tái diễn sai phạm.

Ngoài ra, đối với những trường hợp trên, thanh tra giao thông có thể áp dụng các hình thức xử lý bổ sung như thu hồi giấy phép thi công, đình chỉ thi công hoặc đề xuất Sở GTVT không cấp phép thi công.

Ban quản lý dự án đầu tư các công trình giao thông TP.HCM (Ban giao thông - chủ đầu tư các dự án nâng cấp đường Đỗ Xuân Hợp và đường Lương Định Của) cho biết các dự án này thi công chậm trễ là do thiếu mặt bằng.

Điển hình như dự án đường Lương Định Của, Ban giao thông mới chỉ nhận được bàn giao mặt bằng khoảng 60%. Cụ thể, dự án 87 ha hiện nay chưa có phương án bồi thường và chưa có kế hoạch bàn giao.

Tuy nhiên, Ban giao thông cho hay quận 2 sẽ bàn giao toàn bộ mặt bằng trong quý I-2021. Công trình sẽ hoàn thành trong thời gian chín tháng kể từ ngày nhận đủ mặt bằng.

Về hướng khắc phục, Ban giao thông cho biết: Trong thời gian chờ mặt bằng, ban sẽ thực hiện công tác dặm vá mặt đường để đảm bảo an toàn cho người đi đường. Việc thi công dang dở gây ngập hiện tại là do hệ thống thoát nước hiện hữu không có.

Tái lập mặt đường ẩu vẫn tiếp diễn

Nhiều tuyến đường trên địa bàn TP.HCM có mặt đường không đảm bảo lưu thông do sau khi làm xong các công trình ngầm, đơn vị thi công tái lập mặt đường cẩu thả.

Ghi nhận thực tế của PV trên tuyến đường Lạc Long Quân (quận Tân Bình), nhiều đoạn có mặt đường chắp vá, thảm nhựa lồi lõm; một số đoạn có vệt cắt mặt đường kéo dài hơn 1 km gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Tương tự, đường Huỳnh Văn Bánh (quận Phú Nhuận), một số vị trí mặt đường được tái lập thấp hoặc cao hơn nhiều so với mặt đường chung; mặt đường cũng có nhiều vệt cắt, lồi lõm khiến người đi đường ngán ngẩm.

Trao đổi với PV, ông Lê Văn Thường, Phó Chánh thanh tra giao thông (thuộc Sở GTVT TP.HCM), cho hay thanh tra sở sẽ kiểm tra và xử lý nếu có vi phạm về tái lập mặt đường. Mức phạt vi phạm hành chính đối với lỗi tái lập mặt đường không như nguyên trạng là 4 triệu đồng/lần vi phạm.

“Khi mặt đường lồi lõm, mất an toàn giao thông, chúng tôi sẽ mời đơn vị thi công, chủ đầu tư hoàn thiện lại để xe cộ được lưu thông an toàn. Từ đầu năm đến nay, đơn vị đã lập biên bản 524 trường hợp vi phạm về thi công công trình không đảm bảo an toàn với tổng số tiền phạt hơn 3 tỉ đồng” - ông Thường nói. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm