TP.HCM: 3 giải pháp kiểm soát xe cá nhân vào trung tâm

Sở GTVT TP.HCM đã trình UBND TP đề án “Tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn TP.HCM” giai đoạn 2021-2030.

Đề án nhằm kéo giảm tình trạng ùn tắc, tai nạn giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP. Theo dự kiến, trong tháng 10-2020 đề án sẽ được cụ thể hóa sau khi UBND TP phê duyệt.

Ngưng hoạt động xe máy theo lộ trình

Đối với việc kiểm soát các phương tiện cá nhân vào trung tâm TP, tại đề án này Sở GTVT đưa ra ba giải pháp.

Thứ nhất, tổ chức thu phí ô tô lưu thông vào khu vực trung tâm; thứ hai, kiểm soát điều kiện an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường; thứ ba, kiểm soát hoạt động của mô tô và xe gắn máy 2-3 bánh.

Đối với giải pháp thứ nhất - tổ chức thu phí ô tô lưu thông vào khu vực trung tâm TP, đối tượng thu phí là các loại ô tô trừ phương tiện công cộng (xe buýt, taxi, xe hợp đồng...). Thời gian thu phí vào giờ cao điểm sáng và chiều.

Sở GTVT cho rằng việc tổ chức thu phí sẽ có nhiều vấn đề phức tạp cần nghiên cứu kỹ. Cụ thể, nghiên cứu về các phương án kỹ thuật, mức thu, đối tượng thu để đảm bảo được mục tiêu hạn chế ô tô cá nhân lưu thông trong khu vực trung tâm.

Đối với phương án 2 - kiểm soát điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, Sở GTVT đề xuất kiểm soát khí thải bằng việc thực hiện dán tem môi trường các mức xanh, vàng, đỏ khi xe đi kiểm định ở các cơ sở kiểm tra.

Qua đó, thu phí phương tiện lưu thông qua mức độ phát thải (theo màu tem dán). Một giải pháp khác là thu hồi, loại bỏ đối với những phương tiện không đủ điều kiện an toàn kỹ thuật, có mức phát thải vượt quá mức cho phép mà không có biện pháp khắc phục.

Đề án còn đề xuất giai đoạn 2021-2025, các đơn vị sẽ nghiên cứu hạn chế hoạt động trong phạm vi quận 1, 3, 5, 10 đối với xe máy có mức khí thải không đạt tiêu chuẩn Euro 3 và ô tô không đạt tiêu chuẩn Euro 4.

Đối với giải pháp thứ ba - kiểm soát hoạt động của mô tô và xe gắn máy 2-3 bánh, Sở GTVT sẽ tiến hành phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng. Cùng với đó, ngưng hoạt động xe máy tại một số khu vực trung tâm TP khi đảm bảo đủ điều kiện.

Cụ thể, giai đoạn đến năm 2025, thí điểm ngưng hoạt động xe máy trên một số tuyến theo thời gian. Giai đoạn 2026-2030, tiếp tục mở rộng phạm vi ngưng hoạt động xe máy trong khu vực quận 1.

Đến năm 2030 ngưng hoạt động xe máy khu vực trung tâm toàn bộ thời gian (về cắm biển, tổ chức giao thông phân luồng từ xa, bố trí bến bãi gửi xe...).

Sở GTVT hướng đến ngưng hoạt động xe máy tại trung tâm TP vào năm 2030. Ảnh: LINH PHƯƠNG

Cần có nghiên cứu sát với tình hình thực tế

Theo đánh giá của Sở GTVT, các giải pháp kiểm soát xe cá nhân vào trung tâm TP sẽ góp phần hướng cho người dân chuyển từ sử dụng xe cá nhân sang xe công cộng.

Đồng thời, các giải pháp này cũng sẽ làm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường do số lượng xe cá nhân lưu thông giảm cũng như kiểm soát được điều kiện an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường của xe máy.

TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM, đánh giá tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát phương tiện cơ giới cá nhân vào trung tâm TP là rất cần thiết. Tuy nhiên, việc kiểm soát xe cá nhân ảnh hưởng đến sự thuận lợi của người dân nên TP cần có những nghiên cứu, giải pháp thực sự sát với tình hình thực tế thì mới hiệu quả.

Do đó, theo TS Kim Cương: “TP nên chọn những giải pháp đơn giản và khả thi hơn. Cụ thể, nếu ngăn chặn xe máy chỗ này thì mở chỗ khác để đảm bảo nhu cầu lưu thông của người dân. Ngoài ra, một số giải pháp kiểm soát xe cá nhân của nước bạn chúng ta không áp dụng được. Nếu muốn học hỏi kinh nghiệm nước bạn thì cấu trúc đô thị như đường sá, dân cư của chúng ta cần tập trung lại để phù hợp với giao thông công cộng”.

Ông Cương nêu ví dụ như tăng phí đậu xe, cấm ô tô vào một số tuyến đường hoặc thu phí vào trung tâm nhưng không cần lập trạm thông qua việc bán vé, người dân có thể mua nhiều vé từ trước và mỗi lần vào trung tâm thì dán trước xe. Bán vé ở mọi nơi không cần trạm, điển hình như tại các kiốt, hiệu sách, trên mạng Internet, app...

Theo ông Cương, hạn chế xe cá nhân vào khu vực trung tâm cũng là chủ trương để người dân gần gũi hơn với giao thông công cộng. Tại những chỗ chặn xe thì TP có các hệ thống phương tiện thay thế để đón người dân như xe điện, xe buýt mini…, thậm chí là xây dựng bãi giữ xe cho người dân.

Tích hợp vé thông minh vào các loại hình khác

Trong giai đoạn 2021-2030, TP.HCM còn tập trung phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt. TP sẽ ưu tiên mạnh mẽ nguồn lực đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ, đưa vào khai thác ba tuyến metro số 1, 2, 5 và tối thiểu một tuyến BRT trước năm 2030.

TP cũng sẽ đầu tư và đưa vào khai thác tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành đồng bộ với tiến độ xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Ngoài ra, TP triển khai ứng dụng vé thông minh (smart card) trong hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt. Qua đó, đảm bảo áp dụng trên 100% tuyến buýt vào năm 2025 liên thông với các loại hình vận tải khác (metro, buýt sông, xe đạp hoặc xe gắn máy điện công cộng). 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm