Theo lộ trình của Chính phủ, hết năm 2018 tất cả trạm thu phí sử dụng đường bộ trên quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh sẽ thu phí không dừng. Hết năm 2019, áp dụng cho tất cả các trạm thu phí còn lại. Tuy nhiên, đến nay việc triển khai công tác này còn đang vướng.
Có nhà đầu tư ngại minh bạch
Ông Tô Nam Toàn, Vụ trưởng Khoa học Công nghệ - Môi trường và hợp tác quốc tế (Tổng cục Đường bộ Việt Nam), cho biết việc triển khai thu phí tự động không dừng giai đoạn 2 theo hình thức hợp đồng xây dựng - sở hữu - kinh doanh (BOO 2) đơn vị đã sơ tuyển lựa chọn 4 nhà thầu.
Tuy nhiên, khi rà soát phương án tài chính chưa đảm bảo khả năng hoàn vốn đầu tư, dẫn tới tính khả thi chưa cao.
Theo đó, đơn vị kiến nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng và được cho phép điều chỉnh phương án. Từ đó Bộ GTVT phê duyệt lại phương án tài chính trong hồ sơ mời thầu, dẫn tới chậm tiến độ. Tuy nhiên, dự kiến trong tháng 2-2019 sẽ lựa chọn được nhà đầu tư và triển khai toàn bộ thu phí tự động, chỉ duy trì hai làn ngoài cùng để thu phí hỗn hợp.
Theo lộ trình tất cả các trạm trên cả nước phải thực hiện lắp đặt thu phí không dừng. Ảnh: VIẾT LONG
Bên cạnh đó, ông Toàn cho rằng nguyên nhân chậm tiến độ cũng do năng lực tài chính của nhà cung cấp dịch vụ thu phí chưa đáp ứng yêu cầu. “Đồng thời, do yêu cầu đặc thù về công nghệ của nhà cung cấp dịch vụ nên Bộ không thể nhanh chóng chọn nhà cung cấp khác để thay thế”, ông Toàn lý giải.
Ngoài ra, sự phối hợp của nhà đầu tư BOT trong triển khai thu phí không dừng chưa tốt, có nhiều nhà đầu tư BOT ủng hộ nhưng một số khác lại gián tiếp cản trở triển khai.
“Có hiện tượng nhà đầu tư BOT ngại sự minh bạch, một số lại lo ngại không kiểm soát được nhà cung cấp dịch vụ thu phí đang thu hộ cho họ. Có nhà đầu tư yêu cầu phải để một hệ thống song song với thu phí tự động để giám sát. Tuy nhiên, việc đặt thêm hệ thống sẽ tác động từ lên hệ thống thu phí không dừng, ảnh hưởng tới chất lượng thu phí… Có thể họ chưa biết sâu sắc về thu phí tự động không dừng nên e ngại", ông Toàn thông tin.
Chỉ hơn 1/6 ô tô dán thẻ
Ông Nguyễn Xuân Cường, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, hiện có 26 trạm với 91 làn thu phí không dừng. Đồng thời, đang vận hành thử 7 trạm với 18 làn thu phí không dừng.
Để đáp ứng đúng tiến độ Chính phủ đề ra, Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang yêu cầu các nhà đầu tư BOT bàn giao toàn bộ trạm thu phí cho Nhà cung cấp dịch vụ trước 30-3 để triển khai.
Về việc dán thẻ, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết đến ngày 20-12-2018 mới có 680.000 phương tiện dán thẻ E-tag (thu phí tự động không dừng). Do đó đơn vị rất cần sự chia sẻ, đồng thuận của người dân, xã hội, chính quyền địa phương, các nhà đầu tư BOT vì mục tiêu công khai, minh bạch trong thu phí và sự thuận tiện của người tham gia giao thông khi qua các trạm thu phí.
“Khi dự án được triển khai cả nước, nếu các phương tiện không dán thẻ E-tag sẽ khó lưu thông”, Tổng cục cảnh báo.
Nhắc đến việc dán thẻ E-tag, anh Nguyễn Nam Hoài (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết dù đã dán thẻ nhưng anh chưa nộp tiền vào tài khoản. Nguyên nhân là thẻ Etag chưa kết nối được với ngân hàng nên chưa thuận tiện để dùng.