Từ 9 giờ ngày 27-10, trạm thu phí An Sương-An Lạc trên tuyến quốc lộ 1, quận Bình Tân, TP.HCM chính thức thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ không dừng (ETC).
Cụ thể, tại trạm thu phí chính (lý trình Km 1906+700) ở mỗi chiều có năm làn thu phí đã được bố trí hai làn thu phí tự động không dừng (ở sát dải phân cách); các làn này áp dụng thu phí hỗn hợp tự động, thu đối với xe mua vé tháng và thu phí một dừng đối với các phương tiện còn lại. Các làn khác vẫn thu phí một dừng như bình thường.
Tại năm trạm thu phí phụ: Trạm đường số 7, trạm ngã tư Gò Mây, trạm ngã ba Tân Kỳ-Tân Quý, trạm ngã tư hương lộ 2 và trạm ngã tư Bà Hom áp dụng thu phí hỗn hợp (thu phí tự động và một dừng đối với tất cả các làn thu phí).
Theo ghi nhận của PLO, do áp dụng phương pháp thu phí tự động không dừng và thu một dừng trên cùng làn xe nên các tài xế, chủ xe chưa dán thẻ Etag hoặc đã dán nhưng trong tài khoản chưa nạp tiền "đi lộn" vào làn tự động không phải lùi xe lại, chuyển sang làn một dừng nên đã không xảy ra ùn tắc như ở các trạm BOT khác.
(Clip 2, 3, 4 - các loại xe có thẻ Etag, xe có vé tháng và xe mua vé lượt cùng qua cửa làn thu phí không dừng không phải lùi xe lại)
Trong sáng 27-10, chỉ trong vòng 20 phút đầu tiên ở cả hai chiều đã có hơn 35 xe có dán thẻ Etag qua các làn thu phí tự động không dừng. Tốc độ lưu thông qua cửa trạm của các loại xe này là 30 km/giờ, trong khi xe qua cửa thu phí một dừng là 5 km/giờ. Theo ông Nguyễn Hồng Ninh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng IDICO-IDI (đơn vị quản lý, khai thác trạm BOT An Sương-An Lạc) hiện có 13% số xe qua trạm mỗi ngày có sử dụng vé tháng. Đây là đối tượng khách hàng tiềm năng có khả năng chuyển sang sử dụng thẻ Etag.
Cũng theo ông Ninh (ảnh), hệ thống hạ tầng kỹ thuật tại trạm đã hoàn thiện và nối mạng với các cơ quan chức năng nên việc thu phí qua trạm đảm bảo minh bạch, chính xác...
Tại phòng kiểm soát hậu kiểm, hệ thống camera, màn hình, mạng nối kết bảo đảm kiểm soát chính xác đến từng loại xe
Theo ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông, Sở GTVT, trạm BOT An Sương-An Lạc là trạm đầu tiên ở TP thực hiện thu phí tự động không dừng. Tiếp đến, sau khi được thu phí trở lại, khả năng là đến tháng 1-2019, trạm xa lộ Hà Nội sẽ thực hiện thu phí tự động không dừng ở một số làn. Đến đầu năm 2019 sẽ là trạm cầu Phú Mỹ. "Việc mở rộng thu phí tự động không dừng nhằm bảo đảm minh bạch trong thu phí và kéo giảm ùn tắc ở các trạm BOT!" - ông Đường nói.
Trạm thu phí BOT trên xa lộ Hà Nội đang được thi công lắp đặt hệ thống hạ tầng phục vụ cho việc thu phí tự động không dừng trong thời gian tới.
Theo giới lái xe, chủ xe hiện ở các trạm thu phí quanh TP như trên quốc lộ 13, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây vẫn sử dụng công nghệ thu phí OBU, không tích hợp được với loại dùng thẻ Etag. Điều này đang gây khó khăn cho các tài xế, chủ xe đi liên tuyến.
Trạm thu phí BOT trên quốc lộ 13 sử dụng công nghệ OBU nên xe có gắn thẻ Etag không thể sử dụng được, phải đi vào làn thu phí một dừng, trả tiền mặt
Theo ông Nguyễn Hồng Ninh, thời gian tới trạm thu phí An Sương-An Lạc sẽ triển khai lắp đặt hạ tầng kỹ thuật thu phí không dừng ở các làn còn lại và có thể sau sáu tháng sẽ triển khai thu phí tự động không dừng trên tất cả các làn xe.
(Clip 1 - ông Ninh trao đổi với báo giới)