Trị sa tặc: Phạt thật nặng, tăng lực lượng...

Biên phòng huyện Cần Giờ (TP.HCM) nhìn nhận: Khoảng thời gian trước năm 2016-2017, biển Cần Giờ rất bình yên. Đến năm 2018, xuất hiện nhiều dự án lớn ở các tỉnh giáp ranh với TP.HCM nên nhu cầu cát san lấp mặt bằng tăng lên. Các tàu hút cát bắt đầu đổ xô về huyện Cần Giờ để làm ăn.

Đủ cách đối phó

Thượng tá Phạm Long Bào, Đồn trưởng Đồn biên phòng Long Hòa, cho hay năm 2018 đơn vị bắt giữ 43 tàu hút cát lớn nhỏ, xử phạt gần 1,3 tỉ đồng, tịch thu hơn 11.500 m3 cát và 100 máy hút cát. Đáng chú ý, đa số các tàu mang biển số các tỉnh phía Bắc như Hải Dương, Nam Định, Hải Phòng,… nên không thể tìm ra chủ tàu mà chỉ xử lý được người lái tàu.

“Những người lái tàu đều không phải dạng vừa. Nếu đã bị xử phạt rồi họ sẽ lập tức đổi tàu, vì nếu để bị bắt lần nữa mức phạt sẽ tăng cao. Vậy nên họ chuyển sang lái tàu khác để có bị bắt nữa cũng coi như vi phạm lần đầu” - ông Bào nói và thông tin toàn bộ số cát khai thác lậu sẽ được vận chuyển đến công trình ở các tỉnh giáp ranh biển với TP.HCM như Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An… Hầu như tàu hút cát lậu cũng xuất phát từ các tỉnh này.

Theo Thượng tá Bào, tàu của sa tặc thường đăng ký chở hàng, khi rời bến xuất trình đủ giấy tờ. Sau đó họ tự gắn thêm một số phụ kiện để hút cát rồi lén vào vùng biển Cần Giờ trộm cắp cát. Nhiều tàu vừa đi vừa hút cát rồi nhanh chóng biến mất. Nếu phát hiện bộ đội biên phòng truy đuổi, họ nhanh chóng xả cát trở lại biển nên nếu bị bắt thì thường số lượng cát còn lại không nhiều dẫn tới mức phạt không cao.

Thiếu tá Nguyễn Tất Hùng, Phó Đồn trưởng nghiệp vụ Đồn biên phòng Cần Thạnh, cũng giãi bày: Nhiều lần anh em bắt được tàu hút cát, nhảy lên tàu yêu cầu họ lái vào đất liền để làm việc. Tuy nhiên, thuyền trưởng bảo rằng “máy hư rồi, đợi bọn em sửa đã” rồi cứ thế để tàu lênh đênh trên biển 2-3 ngày. Cuối cùng đồn phải tốn tiền thuê tàu lớn kéo tàu này về, chứ cứ để vậy chắc anh em lãnh đủ mùi vị của biển.

Một lãnh đạo huyện Cần Giờ thông tin thêm sa tặc còn cử người theo dõi cả cơ quan chức năng. Khi tàu của biên phòng xuất bến thì có khi tàu hút cát đã được báo tin và chạy tản mất.

Ngư dân Phạm Văn A. chỉ về con tàu của mình còn vết nứt do va chạm với tàu hút cát. Ảnh: HOÀNG KIM

Một tàu khai thác cát trái phép bị đồn biên phòng Cần Thạnh  (huyện Cần Giờ) bắt giữ hồi đầu tháng 4-2019. (Ảnh do Đồn biên phòng Cần Thạnh cung cấp)

Thu lợi nhiều, phạt chả bao nhiêu

Hiện nay, giá cát san lấp trên thị trường dao động khoảng 120.000-150.000 đồng/m3 (chưa VAT), nếu có VAT thì 145.000-160.000 đồng/m3. Do trữ lượng các mỏ cát dần cạn kiệt, công trình xây dựng ngày càng nhiều nên nhu cầu cát san lấp hiện rất lớn.

Thiếu tá Nguyễn Tất Hùng cho biết mỗi sà lan cát thường chứa 500-600 m3. Với giá bán như trên, mỗi chuyến trộm cát thành công, chủ tàu sẽ thu lợi khoảng 60-100 triệu đồng. Trong khi chi phí bỏ ra rất ít vì chỉ tốn vài trăm lít dầu và nhân công.

Cũng theo Thiếu tá Hùng, việc xử phạt đối với hành vi khai thác, vận chuyển cát không có giấy phép đang được thực hiện theo Điều 44 Nghị định 33/2017 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản. Theo đó, mức phạt tối đa cho hành vi khai thác cát trái phép là 100-200 triệu đồng (với khối lượng từ 50 m3 trở lên), đồng thời tịch thu toàn bộ tang vật và phương tiện vi phạm.

Để đối phó, ngoài việc bỏ chạy và trút lại cát xuống biển như đã nêu, sa tặc thường khai thác bằng các tàu nhỏ dưới 50 m3, sau đó bơm qua các tàu lớn neo đậu quanh đó. Do các tàu lớn này không trực tiếp khai thác cát lậu nên nếu bị bắt quả tang thì chỉ bị xử phạt hành chính 50-100 triệu đồng và không bị tịch thu phương tiện.

“Phải sửa quy định, tăng mức phạt lên nhiều lần sa tặc mới sợ. Chứ chỉ phạt 50-100 triệu, không tịch thu được tàu thì chúng không coi ra gì. Mình bắt một chiếc, chúng khai thác một chiếc khác là đủ vốn” - Thượng tá Phạm Long Bào nói.

151 trường hợp khai thác, vận chuyển cát trái phép tại Cần Giờ đã bị phát hiện và xử lý trong giai đoạn 2015-2018. Đáng nói là số vụ việc vi phạm trong giai đoạn 2017-2018 tăng gấp ba lần so với giai đoạn 2015-2016.

Sa tặc nói có bị phạt cũng không bỏ

Khi bị xử phạt, có sa tặc còn thẳng thắn nói với tôi rằng: “Nghề của em vậy rồi. Các anh có chém, có giết thì chúng em cũng không bỏ được. Dù có phải lén lút, trốn tránh thì cũng làm”.

Thượng tá PHẠM LONG BÀOĐồn trưởng Đồn biên phòng Long Hòa 

Biên phòng không đủ sức

Thiếu tá Phạm Tất Hùng cũng nhìn nhận: “Nếu chỉ riêng lực lượng bộ đội biên phòng thì không đủ sức để đấu tranh với sa tặc mà cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành. Đặc biệt phải có sự hỗ trợ từ các địa phương giáp ranh như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu,… Vì đa số các tàu đều xuất phát từ các tỉnh này và cung cấp cát san lấp cho công trình ở đó”.

Theo ông Hùng, TP vừa trang bị cho lực lượng biên phòng hai tàu hiện đại, đủ công suất để tuần tra biển thường xuyên nhưng đó mới chỉ giải quyết phần ngọn. Muốn trị tận gốc, ngoài tăng mức chế tài, các ban, ngành, địa phương phải quản lý chặt nguồn gốc cát được sử dụng để san lấp mặt bằng các dự án.

“Ví dụ một công trường nhận cát thì phải chứng minh cát đó nguồn gốc như thế nào, có giấy tờ hợp lệ thì mới được phép sử dụng. Đơn vị nào vi phạm thì coi như mua cát lậu, cứ phạt nặng chủ đầu tư sẽ ngán ngay” - Thiếu tá Hùng hiến kế.

Về phía chính quyền địa phương, ông Lê Minh Dũng, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, cho hay từ đầu năm 2019 huyện đã xây dựng kế hoạch kiểm tra định kỳ và đột xuất đối với hoạt động khai thác, vận chuyển cát. Nhưng công tác kiểm tra rất khó khăn vì điểm nóng khai thác cát hiện nay là Cồn Ngựa cách bờ đến 30 km, muốn ra được phải thuê ghe lớn hoặc lực lượng biên phòng trực tiếp đi. Hơn nữa, đi ban ngày thì không bắt được vì chúng khai thác ban đêm.

“Sau chỉ đạo của Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân tại hội nghị ngày 23-4, lực lượng biên phòng đã được cấp hai tàu lớn để chốt ngoài biển, hướng sắp tới sẽ xây dựng trạm kiểm soát ở ngoài đó. Huyện cũng đã đề xuất TP bổ sung kinh phí hỗ trợ cho lực lượng biên phòng. Ngoài phần TP cấp, huyện cũng sẽ cấp thêm. Thời gian tới huyện Cần Giờ kiên quyết chống sa tặc hơn nữa” - ông Dũng khẳng định.

Những việc phải làm ngay

Theo lãnh đạo Sở TN&MT TP.HCM, tại hội nghị ngày 23-4, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân đã giao UBND TP chỉ đạo các sở/ngành hoàn thiện đề án “Phòng, chống tình trạng khai thác cát trái phép trên vùng biển Cần Giờ, vùng giáp ranh giữa TP.HCM và các tỉnh lân cận” để sớm ban hành. Theo đó, để công tác phòng, chống khai thác cát trái phép đạt hiệu quả thì cần phải kiểm soát nguồn gốc cát từ khâu khai thác đến nơi sử dụng.

Trước mắt, để ngăn chặn tình trạng khai thác cát trái phép, TP.HCM tập trung thực hiện một số giải pháp sau:

- Trong năm 2019 tập trung rà soát để thay thế/kiến nghị bổ sung các quy định chưa phù hợp thực tiễn và điều chỉnh chế độ, chính sách hỗ trợ các lực lượng tham gia kiểm tra, phòng chống khai thác cát trái phép.

- Từng bước đầu tư, bổ sung cho lực lượng công an, bộ đội biên phòng, quận/huyện các trang thiết bị phù hợp để phục vụ công tác tuần tra, kiểm tra trên sông, trên biển; xây dựng các chốt kiểm soát trên biển (quy mô nhà giàn nhỏ) trang bị đầy đủ các phương tiện, kỹ thuật hiện đại.

- Tăng cường kiểm tra hoạt động vận chuyển, kinh doanh cát trên địa bàn TP. Siết chặt việc quản lý hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc cát; điều kiện hoạt động của phương tiện vận chuyển; bằng cấp chuyên môn của thuyền viên,…

NGUYỄN CHÂU 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Nắng nóng gay gắt sẽ tiếp tục kéo dài ở Nam bộ

Nắng nóng gay gắt sẽ tiếp tục kéo dài ở Nam bộ

(PLO)- Dự báo nắng nóng vẫn tiếp diễn, sang tháng 4 và tháng 5 sẽ có những đợt nắng nóng kéo dài, diễn ra trên diện rộng cả miền Đông Nam bộ và miền Tây Nam bộ, nhiệt độ cao nhất là trên 39 độ C.

Kon Tum liên tục xảy ra động đất

Kon Tum liên tục xảy ra động đất

(PLO)- Từ ngày 16-3 đến nay, chỉ trong ba ngày, khu vực huyện Kon Plong đã xảy ra 12 trận động đất với độ lớn từ 2.6 đến 3.9 độ richter.

TP.HCM còn 166 điểm tồn đọng rác

TP.HCM còn 166 điểm tồn đọng rác

(PLO)- Một số địa bàn vẫn còn nhiều điểm tồn đọng rác thải cần được giải quyết triệt để như TP Thủ Đức, quận Bình Tân, huyện Hóc Môn, quận 12 và quận Bình Thạnh.