Nghiên cứu hình thức đầu tư cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu

Theo đó, Phó Thủ tướng giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, UBND tỉnh Đồng Nai và các bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tư pháp căn cứ quy định của pháp luật về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), pháp luật về đầu tư công, pháp luật về ngân sách nhà nước để đề xuất hình thức đầu tư và cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với dự án, bảo đảm tính khả thi, đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12-2019.

Bản đồ đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Ảnh: TL

Theo UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, tình trạng kẹt xe trên quốc lộ 51 thuộc địa phận tỉnh đến nay đã trở nên thường xuyên, gây ra khó khăn cho phát triển kinh tế, đặc biệt là việc thu hút hàng hóa vào cảng Cái Mép - Thị Vải.

Bên cạnh đó, tình trạng trên không chỉ công nghiệp gặp khó khăn mà ngành du lịch của Bà Rịa-Vũng Tàu cũng bị tác động. Khách du lịch từ TP.HCM cùng các tỉnh khác đến Vũng Tàu chủ yếu đi trên quốc lộ 51, con đường đang ngày một quá tải hơn. Do đó, việc xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu được rất nhiều người dân mong đợi.

Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu chia thành hai thành phần: Thành phần 1 từ Biên Hòa (Đồng Nai) đến thị xã Phú Mỹ (Bà Rịa-Vũng Tàu), tổng chiều dài tuyến 46,8 km. Điểm đầu giao với tuyến tránh quốc lộ 1A đoạn qua TP Biên Hòa, cách ngã tư Vũng Tàu 6,5 km về phía bắc; điểm cuối kết nối nhánh đường vào cảng Cái Mép - Thị Vải. Chiều dài đoạn qua tỉnh Đồng Nai 34,2 km và 12,6 km chạy qua Bà Rịa-Vũng Tàu (gồm 3,8 km đường cao tốc và 8,8 km tuyến nhánh nối vào cảng Cái Mép - Thị Vải).

Dự án thành phần 2 từ thị xã Phú Mỹ đến TP Vũng Tàu (31 km).

Tổng mức khái toán vốn đầu tư dự án trong giai đoạn 1 dự kiến là 9.300 tỉ đồng, trong đó tiền bồi thường giải phóng mặt bằng gần 3.200 tỉ đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm