Ngày 1-11, tại cuộc họp với Bộ GTVT, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu đã thống nhất các nội dung liên quan đến phương án, quy mô, tổng mức đầu tư và phương án đầu tư đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Việc đầu tư tuyến đường này có ý nghĩa rất lớn cho sự phát triển kinh tế-xã hội hai tỉnh vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ. Đồng thời xóa điểm đen về kẹt xe trên quốc lộ (QL) 51.
Quyết tâm làm bằng được
Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, đặc biệt là Bà Rịa-Vũng Tàu nhiều lần kiến nghị trung ương tổ chức các cuộc họp liên tỉnh với các bộ, ngành, trong đó có Bộ GTVT nhằm nhanh chóng phá thế độc đạo của QL51.
Một trong các giải pháp được đưa ra là nhanh chóng triển khai các dự án xây dựng tuyến đường liên cảng, đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Do vấn đề cấp bách, riêng tại Bà Rịa-Vũng Tàu, lãnh đạo tỉnh đã nghiên cứu phương án, tính toán nguồn thu chi ngân sách tỉnh để sẵn cho việc nhanh chóng triển khai xây dựng những tuyến đường này.
Tại cuộc họp ngày 1-11, đại diện tỉnh Đồng Nai cũng nêu lên những bất cập, sự quá tải của tuyến QL51, ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế của tỉnh này. “Đồng Nai kiến nghị Bộ GTVT sớm làm đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Thậm chí để giải quyết tình trạng quá tải ở QL51 khi chưa có đường cao tốc, tỉnh kiến nghị cho đầu tư một số tuyến kết nối như đường vào huyện Nhơn Trạch. Bởi với hệ thống đường cũ, các xe container ở khu công nghiệp Nhơn Trạch khi lưu thông ra QL51 cũng rất vướng…” - lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cho hay.
Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu, cho biết hiện nay hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải chỉ mới khai thác khoảng 40% công suất. Hàng hóa từ cảng đi các tỉnh chủ yếu vận chuyển 80% bằng đường thủy, chỉ khoảng 20% đi theo đường bộ là QL51. Nhưng điều này cũng đã gây nên tình trạng ách tắc giao thông trên địa bàn tỉnh. Trong tương lai, khi hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải tăng công suất, tình hình ùn tắc trên QL51 sẽ trầm trọng hơn bây giờ.
Theo ông Lĩnh, trong năm 2018, Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu đã họp bàn thống nhất phương án đầu tư cầu Phước An. Trung ương đã bố trí trước 500 tỉ đồng chuẩn bị khởi công xây dựng cầu này để phá thế độc tuyến của QL51. Đây sẽ là một đường liên cảng, thông qua cầu Phước An để lên cao tốc. Tuy nhiên, điều này cũng chưa thể giải quyết hẳn vấn đề quá tải đối với giao thông. Bà Rịa-Vũng Tàu phải thúc đẩy giải quyết vấn đề kết nối, liên kết vùng, phát triển kinh tế giữa Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu.
Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu tại cuộc họp sáng 1-11. Ảnh: TK
Bản đồ đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Ảnh: TL
Bà Rịa-Vũng Tàu là “chủ công”
“Chúng tôi đã chuẩn bị từ nguồn lực nội tại đầu tư công của tỉnh và xin làm BOT của doanh nghiệp. Bà Rịa-Vũng Tàu không thể phát triển với một QL quá tải. Tỉnh sẽ bán đấu giá các khu đất công vị trí vàng, dồn lực vài ngàn tỉ để làm, quyết tâm tăng tốc phát triển Bà Rịa-Vũng Tàu trong năm năm tới. Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai không thể không làm con đường này” - ông Lĩnh quyết tâm.
Dự án thành phần một của cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu sẽ triển khai trước với quy mô mặt cắt của đoạn từ Biên Hòa đến thị xã Phú Mỹ là sáu làn xe. Tổng mức đầu tư giai đoạn một gần 15.000 tỉ đồng. Trong đó, đoạn qua tỉnh Đồng Nai khoảng 12.166 tỉ đồng (gồm 4.723 tỉ đồng giải phóng mặt bằng); đoạn qua tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu khoảng 2.790 tỉ đồng (gồm 720 tỉ đồng giải phóng mặt bằng). |
Tại cuộc họp, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu thống nhất kiến nghị Thủ tướng Chính phủ để Bà Rịa-Vũng Tàu làm đầu mối chuẩn bị các thủ tục đầu tư, ký kết và thực hiện hợp đồng dự án nếu dự án thực hiện theo hình thức đối tác công-tư. Về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và một phần chi phí xây lắp đoạn qua tỉnh Đồng Nai, hai tỉnh cũng thống nhất kiến nghị ngân sách trung ương hỗ trợ.
Ngân sách tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ chi trả bồi thường, giải phóng mặt bằng và một phần chi phí xây lắp đoạn qua địa bàn Bà Rịa-Vũng Tàu. Trong năm 2019-2020, Bà Rịa-Vũng Tàu trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư. Đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, thi công xây dựng trong giai đoạn 2021-2025. Đối với dự án thành phần từ hai thị xã Phú Mỹ đến TP Vũng Tàu, các bên thống nhất kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tách riêng dự án và giao UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức đầu tư.
Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu chia thành hai thành phần: Thành phần một từ Biên Hòa (Đồng Nai) đến thị xã Phú Mỹ (Bà Rịa-Vũng Tàu), có tổng chiều dài tuyến 46,8 km. Điểm đầu giao với tuyến tránh QL1A đoạn qua TP Biên Hòa, cách ngã tư Vũng Tàu 6,5 km về phía bắc. Điểm cuối kết nối nhánh đường vào cảng Cái Mép - Thị Vải. Chiều dài đoạn qua tỉnh Đồng Nai 34,2 km và 12,6 km chạy qua Bà Rịa-Vũng Tàu (gồm 3,8 km đường cao tốc và 8,8 km tuyến nhánh nối vào cảng Cái Mép - Thị Vải).
Dự án thành phần hai từ thị xã Phú Mỹ đến TP Vũng Tàu (31 km).
Quốc lộ 51 “gồng mình” gánh xe Vài năm trở lại đây, khi tuyến cao tốc Long Thành - Dầu Giây được đưa vào khai thác, lượng khách du lịch, ô tô đổ về Bà Rịa-Vũng Tàu ngày một đông. Ngoài ra, Bà Rịa-Vũng Tàu còn có hệ thống các khu công nghiệp với những dự án tỉ USD đã và đang triển khai. Các cảng biển trong đó có cảng Cái Mép - Thị Vải là cảng quốc tế đặt tại cửa ngõ tỉnh là thị xã Phú Mỹ ngày càng phát triển. Với những lợi thế này đã tạo nên cho ngành du lịch, bất động sản của Bà Rịa-Vũng Tàu diện mạo mới, thu hút ngày càng nhiều các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước đến đầu tư, xây dựng… Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất cho sự phát triển của Bà Rịa-Vũng Tàu chính là đường giao thông kết nối với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM phụ thuộc vào tuyến đường gần như “độc tuyến” - QL51.
Theo ghi nhận của PV, những ngày cuối tuần, dịp lễ, tết, trên tuyến QL51 và ngay cả trạm thu phí cao tốc Long Thành - Dầu Giây, đoạn dẫn ra QL51 luôn xảy ra tình trạng ùn tắc. Lượng xe du lịch, xe tải, xe container chở hàng xếp hàng dài chờ lưu thông là việc thường thấy ở địa bàn thị xã Phú Mỹ. Ngoài ra, đoạn còn lại của tuyến QL51, kéo dài tới ngã ba Vũng Tàu, Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai tình trạng kẹt xe, ùn tắc cũng thường xuyên xảy ra. Nguyên nhân là do Đồng Nai có tới 32 khu công nghiệp có lượng hàng lớn đổ về hệ thống cảng biển Bà Rịa-Vũng Tàu. Công ty cổ phần Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đơn vị vận hành, quản lý dự án đầu tư xây dựng, mở rộng đường QL51 cũng từng thống kê lưu lượng xe qua trạm thu phí T2 hiện nay đã gấp khoảng bốn lần so với công suất thiết kế ban đầu... Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, kể câu chuyện: “Có những lúc tôi đi từ Vũng Tàu lên tới sân bay Tân Sơn Nhất mất năm tiếng đồng hồ, không thể di chuyển được do kẹt xe. Mỗi lần tàu hàng khoảng 200 nghìn tấn vào cảng Cái Mép là QL51 kín đường. Du lịch thứ Bảy, Chủ nhật là không thể nhích về TP.HCM được. Một sự chán nản về giao thông đối với tuyến đường này. Đông Nam bộ là một vùng kinh tế năng động nhưng hiện nay đang quá tải về giao thông”. |