Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Trần Văn Vĩnh và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Lê Tuấn Quốc vừa có buổi làm việc nhằm thống nhất phương án xây dựng tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.
Theo phương án đề xuất, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ đầu tư từ nút giao cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đến quốc lộ 55 bao gồm cả nhánh vào Cảng Cái Mép - Thị Vải với chiều dài tuyến là 51 km, mặt cắt ngang 17 m. Đoạn cao tốc trên địa phận Đồng Nai có chiều dài hơn 17 km và trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gần 25 km và 8,8 km đường cấp 3 đồng bằng nối vào Cảng Cái Mép - Thị Vải.
Kinh phí đầu tư ban đầu cho toàn tuyến dự kiến khoảng 8.833 tỷ đồng, trong đó chi phí dành cho xây lắp, cùng các chi phí khác là hơn 6.600 tỷ đồng; chi phí giải phóng mặt bằng hơn 2.190 tỷ đồng. Dự án được đề xuất đầu tư theo hình thức PPP (đối tác công - tư) loại hợp đồng BOT (xây dựng - khai thác - chuyển giao). Dự kiến, thời gian thực hiện đến hết năm 2025.
Cũng theo đề xuất này, phần kinh phí giải phóng mặt bằng khoảng 1.100 tỷ đồng của đoạn hơn 17 km trên địa phận Đồng Nai, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ bố trí kinh phí để thực hiện. Tuy nhiên, dự án còn 16,8km từ Biên Hòa đến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây chưa có phương án đầu tư.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo hai tỉnh thống nhất sẽ gộp cả hai đoạn thành một dự án nhưng sẽ lựa chọn một trong hai phương án để đầu tư là: Một là đầu tư toàn tuyến từ TP Biên Hòa đến quốc lộ 55, trong đó làm rõ trách nhiệm của từng địa phương trong dự án.
Phương án hai, sẽ tách hai giai đoạn để đầu tư: Từ nút giao cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đến quốc lộ 55 và giai đoạn 2 từ cổng 11 đường Võ Nguyên Giáp đến nút giao TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.
Kết thúc buổi làm việc, lãnh đạo hai tỉnh yêu cầu cơ quan chức năng phối hợp rà soát lại dự án, tính toán chi phí đầu tư theo từng phương án để trên cơ sở đó thống nhất lựa chọn, trình Bộ Giao thông - Vận tải và Chính phủ phê duyệt thực hiện.