Thông tin trên cổng thông tin điện tử của Cục Đăng kiểm Việt Nam, hiện nay có hàng ngàn xe đã quá thời hạn kiểm định nhưng vẫn chưa được các đơn vị vận tải đưa đi đăng kiểm. Trong đó, tập trung nhiều vào các doanh nghiệp về du lịch và vận tải hành khách.
Dừng đăng kiểm để tiết kiệm
Chỉ riêng trên địa bàn TP.HCM, lượng ô tô khách quá hạn đăng kiểm 1-3 tháng đã có tổng số lượng là 378 xe. Lượng xe quá hạn 3-6 tháng có khoảng 389 xe, thậm chí nhiều xe hết hạn đăng kiểm đến 12 tháng và 24 tháng nhưng chưa được chủ phương tiện đưa đi kiểm định.
Một số doanh nghiệp vận tải chia sẻ: Dù thiệt hại chưa đến mức khiến họ phải ngưng hoạt động, tuy nhiên các đơn vị này cũng đang phải đứng trước rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, đối với những xe chưa được sử dụng thì tạm thời cho “nghỉ dưỡng” dài hạn, khi nào xe được di chuyển sẽ cho đi đăng kiểm theo quy định.
Đại diện một doanh nghiệp vận tải cho biết: “Một gói đăng kiểm không hề rẻ, đặc biệt là trong thời điểm này. Công ty tôi tạm dừng việc đăng kiểm cho tới khi xe quay lại hoạt động”. Ngoài ra, một số doanh nghiệp cho rằng việc đăng kiểm đúng thời hạn nhưng không được sử dụng cũng sẽ lãng phí. Trong khi đó, quy định hiện nay cũng chưa bị phạt khi xe quá hạn đăng kiểm.
Ông Khuất Duy Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 5005V (quận Tân Bình, TP.HCM), cho biết theo quy định, xe quá hạn đăng kiểm thì cơ quan đăng kiểm không thể phạt. Tuy nhiên, đối với những phương tiện đã hết hạn đăng kiểm sẽ không được di chuyển trên đường. Theo ông Thịnh, những xe này khi muốn đi đăng kiểm lại thì buộc phải kéo xe đến trung tâm đăng kiểm. Trường hợp chủ phương tiện cố tình di chuyển, nếu bị CSGT kiểm tra sẽ bị xử phạt.
Nhiều doanh nghiệp vận tải hoạt động cầm chừng trong mùa dịch. Ảnh: THU TRINH
Cần cứu trợ doanh nghiệp vận tải
ThS Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và Du lịch TP.HCM, cho biết đại dịch COVID-19 đã tác hại nghiêm trọng đến hoạt động của ngành vận tải. Đặc biệt là khối xe khách, xe du lịch, nghiêm trọng nhất là xe khách liên vận quốc tế Lào, Campuchia. Đến nay, chưa có chuyến xe liên vận quốc tế nào hoạt động trở lại.
Theo ông Tính, dù chưa có đơn vị nào báo cáo cụ thể toàn doanh nghiệp, hợp tác xã phải dừng hoạt động nhưng trong khối hội viên của từng lĩnh vực đã có các đơn vị dừng hoạt động như Công ty TNHH Vận tải Kumho Samco tuyến Campuchia, HTX Vận tải du lịch số 4, HTX Hồng Hà, HTX Tuấn Hưng… Ngoài ra còn có tuyến xe buýt mui trần của Công ty Du lịch Ảnh Việt đã dừng hoạt động.
Ông Tính cho rằng việc các đơn vị vận tải này tạm thời chưa đi đăng kiểm cũng là một cách vượt khó. Tại kỳ họp đề xuất giải quyết khó khăn cho các doanh nghiệp, hợp tác xã trong thời kỳ dịch COVID-19 vừa qua, hiệp hội cũng đã đề nghị ngành đăng kiểm hỗ trợ bằng một trong hai cách. Cụ thể, ngành đăng kiểm có thể giảm chi phí hoặc kéo dài chu kỳ thời hạn đăng kiểm. “Có như thế mới khuyến khích chủ phương tiện đi đăng kiểm. Thực tế trong mùa dịch này, nếu phương tiện có hoạt động thì tần suất xe hoạt động cũng giảm hẳn” - ông Tính nói.
Ngoài ra, trước tình hình khó khăn do dịch COVID-19, hiệp hội cũng đã có những đề xuất liên quan đến hoạt động vận tải khác như kiến nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ cho tăng thời hạn thêm hai năm về việc lắp đặt camera theo Nghị định 10/2020 và Thông tư 12/2020.
Báo cáo xin ý kiến UBND TP Ông Trần Khánh Hưng, Phó Giám đốc Sở GTVT TP, cho biết mới đây Sở GTVT đã có cuộc gặp gỡ với các đơn vị vận tải để lắng nghe về những khó khăn và vướng mắc hiện nay của các đơn vị vận tải. Tại buổi họp, các đơn vị vận tải chủ yếu nêu những khó khăn về vấn đề thuế, giãn nợ, trả chậm… Về vấn đề xe quá hạn đăng kiểm, ông Hưng cho biết Sở GTVT cũng đã đề nghị các đơn vị vận tải tổng hợp thêm những khó khăn khác để sở gửi tới Sở KH&ĐT và báo cáo lên UBND TP. Trong đó, bao gồm cả vận tải đường bộ và đường thủy. |