Đối thoại Shangri-La 2024 và loạt điểm nóng an ninh

(PLO)- Đối thoại Shangri-La 2024 diễn ra trong bối cảnh toàn cầu đang đối mặt một loạt thách thức an ninh từ Á sang Âu, từ trên bộ đến trên biển.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 31-5, Đối thoại Shangri-La hay còn gọi là Hội nghị cấp cao an ninh khu vực châu Á khai mạc tại khách sạn Shangri-La (Singapore) và kéo dài tới ngày 2-6. Đây là diễn đàn thường niên do Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) tổ chức, thu hút các quan chức quốc phòng hàng đầu, sĩ quan quân sự cấp cao, nhà ngoại giao, nhà sản xuất vũ khí và nhà phân tích an ninh từ khắp nơi trên thế giới.

600 đại biểu, 7 phiên họp toàn thể

Theo tờ Politico, năm nay, khoảng 600 đại biểu từ gần 50 quốc gia sẽ tham dự Đối thoại Shangri-La. Những nhân vật nổi bật tham gia đối thoại gồm: Tổng thống Philippines - ông Ferdinand Marcos Jr., Tổng thống đắc cử Indonesia - ông Prabowo Subianto, bộ trưởng quốc phòng các nước Mỹ, Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc, Úc, New Zealand, Đức, Estonia, Hà Lan và Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) về chính sách đối ngoại và an ninh - ông Josep Borrell.

Đối thoại Shangri-La 2024: Nhiều điểm nóng an ninh phủ bóng chương trình nghị sự
Cảnh sát canh gác trước cổng khách sạn Shangri-La (Singapore) ngày 31-5 - nơi diễn ra Đối thoại Shangri-La. Ảnh: AP

Theo chương trình nghị sự đăng trên trang web của IISS, Đối thoại Shangri-La năm nay có 7 phiên họp toàn thể, với các chủ đề: (1) Hợp tác chiến lược của Mỹ tại khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương; (2) Tăng cường quản lý khủng hoảng khi cạnh tranh tăng cao; (3) Xây dựng hợp tác an ninh tại Châu Á-Thái Bình Dương; (4) Những thách thức với trật tự an ninh xuyên khu vực; (5) Cách tiếp cận của Trung Quốc đối với an ninh toàn cầu; (6) Kết nối an ninh Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương; (7) Tái tạo giải pháp cho ổn định khu vực.

Ngoài ra, diễn đàn có có 6 phiên họp đặc biệt với các nội dung: (1) Răn đe và trấn an ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương; (2) Hợp tác quốc phòng và an ninh của các nước nhỏ; (3) Myanmar: Cơ hội ngoại giao khi tầm nhìn hòa bình khác biệt; (4) Thực thi pháp luật hàng hải và xây dựng niềm tin; (5) Trí tuệ nhân tạo (AI), phòng thủ không gian mạng và tương lai các cuộc chiến; (6) Phối hợp hoạt động nhân đạo toàn cầu.

Đối thoại Shangri-La 2024: Nhiều điểm nóng an ninh phủ bóng chương trình nghị sự
Cảnh sát canh gác trước cổng khách sạn Shangri-La (Singapore) ngày 31-5 - nơi diễn ra Đối thoại Shangri-La. Ảnh: AP
Đối thoại Shangri-La 2024: Nhiều điểm nóng an ninh phủ bóng chương trình nghị sự
Cảnh sát canh gác trước cổng khách sạn Shangri-La (Singapore) ngày 31-5 - nơi diễn ra Đối thoại Shangri-La. Ảnh: AP

Trong Đối thoại Shangri-La năm nay, 3 bài phát biểu được chú ý nhất là bài phát biểu khai mạc của Tổng thống Marcos ngày 31-5, tiếp theo đó là bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin vào ngày 1-6 và bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Đổng Quân vào ngày bế mạc 2-6.

Loạt điểm nóng an ninh phủ bóng Shangri-La 2024

Các nhà phân tích cho rằng Đối thoại Shangri-La năm nay có ý nghĩa đặc biệt do có vô số vấn đề toàn cầu phức tạp đang diễn ra, bao gồm quan hệ Mỹ-Trung, căng thẳng eo biển Đài Loan, xung đột Nga-Ukraine, tình hình Myanmar, vai trò của Mỹ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, an ninh hàng hải ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, cũng như căng thẳng leo thang ở Trung Đông.

Tâm điểm của đối thoại năm nay là cuộc gặp kéo dài hơn một giờ giữa Bộ trưởng Austin và người đồng cấp Trung Quốc hôm 31-5. Đây sẽ là cuộc gặp đầu tiên giữa lãnh đạo quốc phòng của hai cường quốc kể từ khi ông Đổng nhậm chức bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc vào tháng 12-2023.

“Đây là lần đầu tiên chúng ta có thể thấy cái bắt tay giữa ông Austin và ông Đổng. Việc này được coi là một cử chỉ mang tính biểu tượng rất quan trọng” - TS Lim Tai Wei, nhà nghiên cứu cấp cao tại ĐH Quốc gia Singapore, nói với kênh Channel News Asia (CNA).

Kế hoạch sắp xếp cuộc gặp giữa ông Austin và ông Đổng diễn ra trong bối cảnh Washington và Bắc Kinh đang leo thang căng thẳng trong nhiều vấn đề. Chỉ một tuần trước cuộc gặp, Trung Quốc tổ chức tập trận quân sự quy mô lớn quanh đảo Đài Loan mà Bắc Kinh cho là nhằm “trừng phạt” các lực lượng “Đài Loan độc lập”, theo tờ South China Morning Post.

Mỹ và các đồng minh của Washington khi đó bày tỏ “sự quan ngại sâu sắc” về cuộc tập trận và cho rằng hành động của Bắc Kinh “có nguy cơ leo thang và làm xói mòn các chuẩn mực lâu đời vốn duy trì hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan trong nhiều thập niên”.

Bên cạnh đó, quan hệ Mỹ-Trung cũng đang xấu đi khi Washington cáo buộc Bắc Kinh hỗ trợ quân sự cho Nga trong cuộc chiến ở Ukraine. Ngày 29-5, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Kurt Campbell kêu gọi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và các nước châu Âu gửi “một thông điệp chung về mối quan ngại” trước sự hỗ trợ “ngầm” của Trung Quốc dành cho Nga.

Đối thoại Shangri-La 2024: Nhiều điểm nóng an ninh phủ bóng chương trình nghị sự
Bên trong khách sạn Shangri-La (Singapore) ngày 31-5 - nơi diễn ra Đối thoại Shangri-La. Ảnh: AP

Một vấn đề khác cũng được dự đoán sẽ chi phối chương trình nghị sự của Đối thoại Shangri-La 2024 chính là Biển Đông. Những tháng qua, đối đầu giữa lực lượng tuần duyên Trung Quốc và Philippines trên Biển Đông xảy ra liên tục.

Mới đây, Trung Quốc đơn phương áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá kéo dài 4 tháng ở Biển Đông khiến Philippines gửi công hàm phản đối.

Theo kế hoạch, Tổng thống Philippines Marcos Jr. sẽ có bài phát biểu khai mạc hội nghị và sẽ trình bày lập trường của Manilia trong vấn đề Biển Đông. “Vấn đề này ảnh hưởng khu vực và thế giới” - ông Marcos nói với phóng viên trước thềm diễn đàn.

Giới phân tích cho rằng ông Marcos sẽ tận dụng cơ hội này để thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế với Philippines cũng như với vấn đề Biển Đông.

"Ông ấy chắc chắn sẽ có một nền tảng rất tốt để thể hiện quan điểm. Diễn đàn là một cách để các quốc gia tham gia có thể thu hút sự chú ý” - theo ông Choi Shing Kwok, Giám đốc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS-Yusof Ishak Institute, Singapore).

Tương tự, theo các chuyên gia, phái đoàn Trung Quốc tham dự Đối thoại Shangri-La cũng sẽ sử dụng diễn đàn này để khẳng định mình trước những chỉ trích liên quan Biển Đông và Đài Loan.

“Bắc Kinh có thể đã đoán trước các vấn đề về Đài Loan và Biển Đông sẽ được nêu ra tại diễn đàn, nhưng có lẽ họ cũng đã chuẩn bị sẵn sàng giữ vững lập trường của mình để đáp trả những câu hỏi và bình luận gay gắt có thể có từ các đại biểu tham gia đối thoại” - South China Morning Post dẫn nhận định của ông Collin Koh, thành viên cấp cao tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, ĐH Công nghệ Nanyang (Singapore).

Ngoài ra, xung đột Nga-Ukraine, xung đột Israel-Hamas và tác động của hai cuộc xung đột này cũng là chủ đề mà các đại biểu quan tâm dù Nga đã không tham gia diễn đàn từ năm 2022 và không có phái đoàn nào từ Israel đăng ký tham dự Đối thoại Shangri-La năm nay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm