Sở GTVT TP.HCM vừa có báo cáo UBND TP về việc đầu tư xây dựng hai tỉnh lộ 8 và 15 thuộc địa bàn huyện Củ Chi.
Tỉnh lộ 8: Tuyến trục Củ Chi
Trên bản đồ, tuyến tỉnh lộ 8 hiện nay và trong tương lai sẽ là tuyến trục của huyện Củ Chi, nối từ Khu công nghiệp Đông Nam (nằm kề sông Sài Gòn, giáp cầu Phú Cường, TP Thủ Dầu Một, Bình Dương) ra Khu công nghiệp Tây Bắc (nằm kế thị trấn Củ Chi). Từ thị trấn Củ Chi, tỉnh lộ 8 còn kéo dài sang Cụm công nghiệp Đức Hòa-Đức Huệ của tỉnh Long An hoặc rẽ phải để đi theo quốc lộ 22 lên Cụm công nghiệp Trảng Bàng, Tây Ninh.
“Như vậy, việc nâng cấp, mở rộng tỉnh lộ 8 không chỉ thành tuyến trục để phát triển huyện Củ Chi mà còn hình thành nên tuyến đường liên vùng, kết nối bốn địa phương TP.HCM - Bình Dương - Long An - Tây Ninh” - ông Nguyễn Văn Tám, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết.
Theo Sở GTVT TP, tuyến tỉnh lộ 8 (từ cầu Thầy Cai đến tỉnh lộ 9 - tên mới là đường Hà Duy Phiên) có tổng chiều dài 22,5 km, lộ giới quy hoạch 40 m. Trước đây, nhằm đáp ứng nhu cầu về giao thông, Sở GTVT đã phối hợp với UBND huyện Củ Chi nâng cấp, mở rộng một số đoạn với tổng chiều dài khoảng 8,8 km. Hiện nay trên toàn tuyến còn 13,7 km (từ tỉnh lộ 2 đến cầu Bà Bếp) đang trong quá trình nghiên cứu đầu tư để đảm bảo nhu cầu về giao thông khu vực. Dự kiến đoạn 13,7 km này sẽ được khởi công đầu năm 2019 và hoàn thành năm 2020.
Tỉnh lộ 15: Trục dọc lên phía Bắc
Riêng đối với tỉnh lộ 15 từ cầu Xáng tới tỉnh lộ 6 có chiều dài 34 km, hiện chỉ rộng 5,5-6 m. Theo quyết định công bố từ năm 1995, tuyến tỉnh lộ 15 có chiều rộng quy hoạch lên tới 40 m. Theo Sở GTVT, trước đây tuyến đường này đã được UBND TP giao Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình huyện Củ Chi nghiên cứu dự án đầu tư với tổng mức đầu tư hơn 3.000 tỉ đồng.
Tuy nhiên, do vốn của dự án quá lớn, chưa thể bố trí bằng nguồn vốn đầu tư công nên TP đã đưa dự án vào danh mục kêu gọi đầu tư. Sở GTVT đang tiếp tục phối hợp với các đơn vị có liên quan để kêu gọi các nhà đầu tư tham gia. Trước mắt, trong thời gian chưa đầu tư dự án theo quy hoạch, đoạn từ cầu Xáng lên đến ngã tư Tân Quy dài khoảng 5,2 km sẽ được duy tu và sửa chữa để đảm bảo an toàn giao thông cho người dân đi lại. “Hiện từ quốc lộ 22 đi theo tỉnh lộ 15 lên ngã tư Tân Quy để vào khu công nghiệp ô tô TP là con đường ngắn nhất. Do đó, rất cần sớm mở rộng trước đoạn 5,2 km này lên 40 m” - ông Phạm Quốc Chương, Phó Giám đốc Khu quản lý giao thông đô thị số 3, cho biết.
Mở rộng hai đoạn tỉnh lộ 9
Theo ông Phạm Ngọc Dũng, Giám đốc Khu quản lý giao thông đô thị số 3 (Khu 3), Sở GTVT TP tới đây sẽ khởi công mở rộng, nâng cấp tỉnh lộ 9 qua địa bàn huyện Hóc Môn. Theo đó, tỉnh lộ 9 (tên mới là Đặng Thúc Vịnh) đoạn từ đường Lê Văn Khương đến đường Tô Ký (huyện Hóc Môn) có chiều dài 5,2 km, hiện rộng chỉ 7-8 m sẽ được mở rộng lên 30 m. Tổng mức đầu tư cho công trình là hơn 698 tỉ đồng từ nguồn ngân sách TP. Hiện dự án đã được Sở GTVT phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và dự toán. Đơn vị này đang tiến hành lựa chọn nhà thầu xây lắp để tiến hành khởi công xây dựng vào cuối năm 2018 và hoàn thành trong năm 2019.
Cũng theo Khu 3, hiện đơn vị đang tiếp tục đeo bám dự án nâng cấp, mở rộng tỉnh lộ 9 đoạn thuộc huyện Củ Chi (từ cầu Rạch Tra đến tỉnh lộ 8, có tên mới là Hà Duy Phiên). Cụ thể, phạm vi dự án nằm theo tỉnh lộ 9 hiện hữu với điểm đầu giao với tỉnh lộ 8 đầu cầu Phú Cường, điểm cuối nối với đầu cầu Rạch Tra, huyện Củ Chi với tổng chiều dài khoảng 5,76 km. Chiều rộng mặt đường hiện hữu là 6-7 m sẽ được mở rộng lên 30 m cho đồng bộ với đoạn thuộc huyện Hóc Môn.
Theo ông Phạm Ngọc Dũng, khi hoàn thành mở rộng hai đoạn trên, tỉnh lộ 9 sẽ trở thành tuyến đường huyết mạch khu vực Tây Bắc, nối thông quận 12 với huyện Hóc Môn và Củ Chi. Đây cũng sẽ là tuyến đường giúp người dân các địa phương trên kết nối nhanh chóng với trung tâm TP cũng như các quận lân cận.
Đánh thức đô thị “ngủ quên” Từ những năm 2000, TP.HCM đã quy hoạch khu đô thị Tây Bắc (quận 12, Củ Chi, Hóc Môn) thành khu đô thị vệ tinh nhằm phát triển kinh tế và giãn dân. Ðến thời điểm hiện tại, khu đô thị Tây Bắc vẫn như… “ngủ quên” vì hạ tầng giao thông chưa hoàn thiện. Theo Sở GTVT TP, sau thời gian dài TP dồn sức phát triển về phía Đông - Đông Nam để hình thành nên các khu đô thị Phú Mỹ Hưng, Hiệp Phước (quận 7, huyện Nhà Bè) thì đã đến lúc TP cần chuyển hướng lên khu đô thị Tây Bắc. Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP, khu đô thị Tây Bắc nằm trên vùng đất cao, nền địa chất khá ổn định nên chi phí đầu tư sẽ thấp hơn, kéo theo tốc độ xây dựng sẽ nhanh hơn. Cùng với phát triển giao thông bộ, mạng lưới giao thông thủy khu vực Tây Bắc TP.HCM cũng phát triển theo. Theo Sở GTVT TP, sau khi cầu đường sắt Bình Lợi mới xây dựng xong thì tuyến sông Sài Gòn sẽ thông từ hạ lưu qua Củ Chi lên đến thượng nguồn, phục vụ cho cả vận tải hàng hóa và hành khách. Đến nay ở cả hai phía bờ sông Sài Gòn thuộc TP.HCM và tỉnh Bình Dương cũng đã và đang hình thành các cảng. |