Cụ thể, cử tri cho rằng các tuyến quốc lộ tại khu vực này đang xuống cấp, sụt lún. Tình trạng này làm ảnh hưởng đến việc đi lại, vận chuyển hàng hóa, mất an toàn giao thông cho người dân.
Bộ GTVT cho rằng hiện chiều dài các tuyến quốc lộ khu vực ĐBSCL khoảng 2.500 km, chiếm 10% tổng số chiều dài các tuyến quốc lộ trên toàn quốc. Mặc dù nguồn lực đầu tư cho xây dựng, bảo trì hệ thống quốc lộ còn hạn chế nhưng Bộ GTVT đã tập trung ưu tiên sửa chữa và cải tạo, nâng cấp hệ thống quốc lộ ở khu vực ĐBSCL.
Cụ thể, về công tác bảo trì đường bộ, Bộ GTVT đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ rà soát, kiểm tra các tuyến quốc lộ để phát hiện các điểm đen, các hư hỏng và đưa vào kế hoạch bảo trì đường bộ hằng năm.
Trong đó, năm 2020, tổng kinh phí sửa chữa đạt khoảng 800 tỉ đồng. Dự kiến năm 2021 đạt khoảng 850 tỉ đồng (không tính kinh phí bảo dưỡng thường xuyên).
Bộ GTVT cũng đang triển khai đầu tư nâng cấp, cải tạo một số dự án như tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp, quốc lộ 1 (đoạn qua địa bàn tỉnh Tiền Giang)... với tổng số vốn trên 4.000 tỉ đồng và dự kiến hoàn thành trong năm 2020.
Ngoài ra, hiện nay Bộ GTVT xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Trong đó, khu vực ĐBSCL đã triển khai công tác chuẩn bị đầu tư mới 38 dự án đối với cả bốn lĩnh vực gồm đường bộ, hàng hải, đường thủy nội địa và hàng không, tổng mức đầu tư khoảng 116.784 tỉ đồng. Riêng nhu cầu vốn giai đoạn 2021-2025 là 97.339 tỉ đồng.
“Sau khi được Quốc hội, Chính phủ giao tổng nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Bộ GTVT sẽ phối hợp với các bộ, ngành và địa phương rà soát thứ tự ưu tiên; sắp xếp, lựa chọn các dự án quan trọng, cấp bách để đầu tư trong giai đoạn này cho phù hợp với nguồn lực, trình Chính phủ, Quốc hội chấp thuận làm cơ sở triển khai thực hiện…” - Bộ GTVT khẳng định.