Phát biểu tại Diễn đàn kinh tế miền Trung sáng 25-9, PGS.TS Trần Đình Thiên (Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam) cho biết các tỉnh miền Trung hội tụ nhiều điều kiện và tiềm năng để phát triển kinh tế.
“Mặc dù có nhiều tiềm năng, điều kiện tốt nhưng kinh tế miền Trung cơ bản vẫn chưa đạt được kết quả như chúng ta kỳ vọng”, ông Thiên nói.
Du lịch miền Trung chỉ có mỗi tắm biển
Theo ông Thiên, xét toàn thể, trình độ cấu trúc ngành của miền Trung cơ bản đã được cải thiện nhưng chưa có sự xoay chuyển nhiều. Các năng lực mới về du lịch, khu kinh tế, khu công nghiệp chưa được khai thác, phát huy đúng tiềm năng vốn có.
“Du lịch miền Trung oai nhất cả nước, nhưng khách chủ yếu đến để đi tắm biển thôi. Chúng ta có gì ngoài tắm biển đâu. Ý của tôi là thực tế phần giá trị gia tăng du lịch của chúng ta rất thấp.
Tôi nói luôn, cả nước ta đặt vấn đề rất hay rằng du lịch là ngành mũi nhọn, nhưng tôi hỏi Tổng cục Du lịch mũi nhọn là gì? Tức là đâm vào cái gì là thủng hay là tiên phong dẫn dắt đi đầu? Ta hay nói mũi nhọn nhưng chưa rõ thế nào là mũi nhọn”, ông Thiên nói.
PGS.TS Trần Đình Thiên (Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam) cho biết, du lịch miền Trung "có gì ngoài tắm biển đâu". Ảnh: TÂM TRI.
Ông Thiên cho rằng thời gian tới, các tỉnh miền Trung cần phải có chương trình rõ ràng chứ không lờ mờ, mạnh ai nấy làm như bây giờ. “Chúng ta hoàn toàn có thể làm tốt hơn. Hiểu theo nghĩa vùng, du lịch miền Trung có dừng lại ở tắm biển không? Cấu trúc khách thế nào? Cái này chúng ta phải bàn kỹ”, ông Thiên nói.
Về việc xây dựng cảng biển, theo TS Huỳnh Thế Du (Giám đốc đào tạo chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright), miền Trung chỉ nên có một cảng nước sâu.
“Mặc dù các tỉnh Duyên hải miền Trung đều có điều kiện để xây dựng cảng biển nước sâu nhưng không có nghĩa là sẽ khai thác thành công ở cả 9 tỉnh này. Theo tôi, chín tỉnh thì có khả năng một tỉnh thành công. Trung ương cần tạo ra cơ chế vừa hợp tác vừa cạnh tranh để miền Trung chỉ có duy nhất một cảng nước sâu. Các tỉnh miền Trung lúc này phải ngồi lại để chọn ra nơi nào phù hợp nhất, chứ địa phương nào cũng muốn sân bay, cảng biển là đi ngược lại sự phát triển”, ông Du nói.
Ông Hà Giang (Đại diện một doanh nghiệp Đà Nẵng) cũng cho rằng, nếu các tỉnh miền Trung không liên kết vùng thì dứt khoát không thể phát triển mạnh.
“Chúng ta tìm mọi cách để liên kết vùng, xây dựng động lực chung, phá rào cản nhưng phải có người đứng đầu. Tôi đề nghị lãnh đạo Trung ương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo liên kết vùng ở miền Trung”, ông Giang cho hay.
Thế mạnh miền Trung: "Mạnh ai nấy làm"
Theo TS Đậu Anh Tuấn (Trưởng ban Pháp chế VCCI) các tỉnh miền Trung có môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi cho tư nhân phát triển. Đóng góp của khu vực tư nhân vào ngân sách tăng nhanh.
Tuy nhiên, theo ông Tuấn, số lượng doanh nghiệp bình quân đầu người còn thấp, chỉ còn 35 doanh nghiệp trên 10.000 dân, thấp hơn so với ĐBSCL, Hà Nội. Bên cạnh đó, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp từ chính quyền còn chưa tốt.
TS. Huỳnh Thế Du (Giám đốc đào tạo chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright) cho rằng chín tỉnh miền Trung chỉ cần một cảng nước sâu là đủ. Ảnh: TÂM TRI.
“Về chính sách, tôi muốn dùng 2 chữ “động” là năng động hơn, hành động hơn. Trong khu vực không có nhiều lợi thế thì phải có sự chuyển động mạnh mẽ hơn của lãnh đạo”, ông Tuấn nói.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, sẽ tiếp thu toàn bộ các ý kiến tại diễn đàn để báo cáo lại với Chính phủ. “Tôi thông báo luôn là ban tổ chức đã bình chọn câu nói ấn tượng nhất hôm nay, là, Miền Trung có rất nhiều thế mạnh nhưng mạnh nhất là mạnh ai nấy làm. Điều này thôi thúc làm diễn đàn như thế này để sau này câu nói đó chỉ còn là hoài niệm”- Phó Thủ tướng chia sẻ.
Theo Phó Thủ tướng, tình trạng cát cứ đang là những rào cản lớn trong việc phát triển kinh tế tại các tỉnh miền Trung. Mặc dù sự kết nối giữa các tỉnh, thành đã có nhưng chưa thực chất, chưa thực sự có chất kết dính dẫn tới kinh tế vùng phát triển dưới tiềm năng và mong đợi.
“Đã đến lúc chúng ta phải hành động thôi. Tôi cũng đề nghị Ban điều phối vùng có báo cáo tổng hợp các kiến nghị đề xuất với Thủ tướng và Chính phủ. Văn phòng Chính phủ sẽ có thông báo ý kiến của Thủ tướng về các vấn đề này. Phải có kết luận cụ thể chứ họp xong xuôi tất cả lại về thì không có ý nghĩa gì”- ông Huệ nhấn mạnh.