Phó phát ngôn viên chính phủ Đức Ulrike Demmer tuyên bố nước này muốn Ankara từ bỏ thỏa thuận mua hệ thống phòng không S-400 với Nga, theo hãng tin Sputnik ngày 14-6.
“Ý định của Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống tên lửa của Nga đang được thảo luận trong khối liên minh NATO và đây là vấn đề gây tranh cãi cho NATO. Chính phủ Đức sẽ hoan nghênh việc Thổ Nhĩ Kỳ xem xét lại quyết định mua S-400”, bà Demmer nói.
Hệ thống phòng không Nga S-400 trong một cuộc duyệt binh kỷ niệm 100 năm thành lập Quân khu phía Nam, TP Rostov trên sông Đông (Rostov on Don). Ảnh: SPUTNIK
Bà Demmer giải thích rằng những vấn đề được cho liên quan đến khả năng tương tác giữa các thiết bị của NATO với hệ thống phòng không Nga là mối bận tâm hàng đầu của khối quân sự này.
Trước đó, hồi tháng 5, người phát ngôn của Thủ tướng Đức Steffan Seibert ngày 22-5 nói rằng Đức muốn Thổ Nhĩ Kỳ hủy thỏa thuận mua hệ thống phòng thủ tên lửa đất đối không S-400 với Nga, cho rằng thương vụ này đi ngược lại lợi ích của các đối tác của Thổ Nhĩ Kỳ trong NATO.
Ông Seibert cho hay thay vào đó, Thổ Nhĩ Kỳ nên lựa chọn mua hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot do Mỹ sản xuất.
Tuy nhiên, lập trường của Đức và Mỹ về vấn đề S-400 vẫn chưa nhận được sự tán đồng của Pháp khi Bộ Ngoại giao Pháp nhắc nhở các quốc gia khác rằng Thổ Nhĩ Kỳ có quyền chủ quyền mua thiết bị quân sự này nếu cần.
“Việc mua thiết bị quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ rõ ràng là quyết định mang tính chủ quyền. Tính toàn vẹn của khối liên minh NATO cũng quan trọng không kém và sự tương tác của năng lực quân sự của các đồng minh cũng quan trọng” – Bộ Ngoại giao Pháp cho hay.
Ngoài Đức, Hy Lạp cũng bày tỏ lo ngại về thương vụ S-400 giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga. Hy Lạp xem việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng thủ tên lửa đất đối không tầm xa S-400 của Nga là vấn đề của khu vực, Bộ trưởng Quốc phòng Hy Lạp Evangelos Apostolakis cho hay tại một hội nghị quốc phòng hôm 6-6.
“Đây là một trong những vấn đề bởi vì hệ thống S-400 nếu đặt trên đất Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đẩy các hệ thống phòng không trong khu vực vào một tình huống khác”, ông Apostolakis nói trước hội nghị quốc phòng tại Viện Hòa bình Mỹ ở Washington hôm 6-6.
Một vụ thử nghiệm hệ thống tên lửa S-400 của Nga. Ảnh: RT
Các tuyên bố trên từ Đức, Pháp đưa ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ quanh thương vụ S-400. Khi ngày chuyển giao S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ đang đến gần, Mỹ đã tăn cường sức ép lên Thổ Nhĩ Kỳ, đã đình chỉ chương trình huấn luyện lái tiêm kích F-35 đối với các phi công Thổ Nhĩ Kỳ, dọa dừng chuyển giao F-35 và đang xem xét một dự luật nhằm áp trừng phạt vào Thổ Nhĩ Kỳ.
Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ trả đũa nếu Mỹ áp đặt trừng phạt lên Ankara. “Một quốc gia không thể ra lệnh cho nước khác hành động như thế nào. Mỹ nên từ bỏ hành vi này. Ai ai cũng thấy lo ngại về điều này. Nó có thể đi được bao xa? Nếu Mỹ thực hiện các bước đi chống lại chúng tôi, thì chúng tôi sẽ buộc phải thực hiện các bước đi tương xứng”, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu ngày 14-6 trả lời phỏng vấn kênh NTV.
Mỹ đã cố gắng thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ thương vụ S-400 với Nga nhưng không thành công. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nhiều lần tuyên bố thỏa thuận với Nga đã hoàn tất và tổ hợp S-400 đầu tiên sẽ được bàn giao trong tháng 7 như kế hoạch. Ông Erdogan cũng đã đề nghị thành lập một tổ công tác chung để loại bỏ những lo ngại của Mỹ về hệ thống S-400, song Mỹ không đồng ý tham gia.
Ngoài Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ cũng là nước ký hợp đồng mua hệ thống phòng không S-400 từ Nga trị giá 5,43 tỉ USD và hiện có nguy cơ bị Mỹ trừng phạt theo Đạo luật chống các đối thủ của Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA). Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ chuyên trách khu vực Nam và Trung Á Alice Wells mới đây cho hay nước này tiếp tục nỗ lực thuyết phục Ấn Độ không mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga.