Dùng súng cướp ngân hàng ở Đà Nẵng: Đối tượng đâm chết bảo vệ đối diện mức án tử hình

(PLO)- Theo các luật sư, hai nghi can trong vụ cướp ngân hàng có thể đối mặt nhiều tội danh, trong đó người đâm chết bảo vệ có thể bị xử tội giết người với mức án cao nhất là tử hình.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Như PLO đã đưa tin, chiều 22-11, Công an TP.Đà Nẵng đã bắt và lấy lời khai Nguyễn Mạnh Cường và Trần Văn Trí là hai nghi can trong vụ cướp ngân hàng, đâm bảo vệ tử vong.

Theo nội dung vụ việc, khoảng 13 giờ 45 phút ngày 22-11, hai nghi can này đến PGD Chi nhánh Ngân hàng số 169 đường Ngũ Hành Sơn, quận Ngũ Hành Sơn dùng súng đe dọa để cướp ngân hàng.

Khi nghe còi báo động, cả hai bỏ chạy ra bên ngoài thì bị bảo vệ đuổi theo. Chạy được khoảng 20m, xe máy của hai đối tượng cướp ngân hàng va chạm với xe máy người dân, ngã xuống đường. Cường đã dùng dao đâm trúng lưng bảo vệ khiến nạn nhân mất nhiều máu và tử vong sau khi được đưa đi cấp cứu.

Nhiều bạn đọc thắc mắc, hành vi của hai nghi can cướp ngân hàng sẽ đối diện với tội danh và khung hình phạt nào.

cướp ngân hàng
Hai nghi can Trí và Cường (trái) trong vụ dùng súng cướp ngân hàng tại Đà Nẵng. Ảnh: CA

Luật sư (LS) Trương Văn Tuấn (Đoàn LS TP.HCM) cho rằng các nghi can đã có hành vi dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực nhằm cướp ngân hàng. Hành vi dùng dao đâm bảo vệ khi bị truy đuổi chỉ nhằm mục đích tẩu thoát khi bị truy đuổi.

Xét ở mặt khách quan, hành vi của hai nghi can phù hợp tội danh cướp tài sản quy định theo Điều 168 BLHS. Đối với tội danh này, khung hình phạt thấp nhất là ba năm tù. Trường hợp làm chết người hoặc tài sản cướp được với giá trị 500 triệu đồng trở lên… thì có thể bị phạt tù 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Người phạm tội trong vụ cướp ngân hàng còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng; phạt quản chế, cấm cư trú 1-5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Cạnh đó, trường hợp hai nghi can mang theo súng khi thực hiện hành vi cướp ngân hàng, nếu khẩu súng này được xác định là vũ khí quân dụng thì các các đối tượng có thể phạm tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự theo Điều 304 BLHS.

Theo LS Nguyễn Trần Thiên (Đoàn LS TP.HCM), trong vụ việc này, ngoài hành vi cướp ngân hàng, trong lúc bỏ chạy, nghi can đã chống trả và dùng dao đâm bảo vệ của ngân hàng tử vong. Hành vi này thỏa mãn yếu tố cấu thành tội giết người theo Điều 123 BLHS với khung hình phạt tù 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định 1-5 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú 1-5 năm.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 17 BLHS, đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm. Trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra sẽ làm rõ các đối tượng này có bàn bạc, thống nhất với nhau mang súng, dao… đi cướp ngân hàng; có bàn bạc khi có người truy đuổi thì dùng dao đâm hay không…

Trường hợp có căn cứ cho thấy có sự bàn bạc, thống nhất với nhau thì đối tượng còn lại sẽ bị xử lý về tội giết người với vai trò đồng phạm.

Trong vụ việc này, các đối tượng chưa đạt được mục đích chiếm đoạt được số tiền, chưa có số tiền bị chiếm đoạt, nhưng đã hoàn thành về mặt hành vi đe doạ, dùng vũ lực để uy hiếp nhân viên ngân hàng nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản. Bởi lẽ, khi vào bên trong ngân hàng một đối tượng đã cầm súng và bắn một phát chỉ thiên để uy hiếp nhân viên cùng bảo vệ tại đây; đối tượng còn lại thì cầm dao đến quầy nhân viên giao dịch đe dọa buộc đưa tiền.

Đây là hành vi đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc, làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được, nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản, có dấu hiệu cấu thành tội cướp tài sản theo quy định tại Điều 168 Bộ luật Hình sự 2015.

Trường hợp quá trình điều tra có căn cứ xác định được số tiền muốn chiếm đoạt của các đối tượng, thì đây là căn cứ để định khung hình phạt; cũng theo quy định nếu các đối tượng có sự bàn bạc, chuẩn bị từ trước, có sự phân công nhiệm vụ thì được xem là hành vi phạm tội có tổ chức, mức phạt quy định là phạt tù từ 7 năm đến 15 năm.

Nếu số tiền chiếm đoạt từ 500 triệu đồng trở lên thì người vi phạm có thể đối diện với mức hình phạt từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Bên cạnh đó, theo Điều 57 Bộ luật Hình sự 2015, người phạm tội chưa đạt phạm những tội có hình phạt là tù có thời hạn thì mức hình phạt không quá 3/4 mức phạt tù mà điều luật quy định. Do vậy, với việc chưa lấy được tài sản, đối tượng có thể được áp dụng chế tài dành cho người phạm tội chưa đạt theo điều luật này.

Ngoài ra, trong quá trình thực hiện hành vi, một đối tượng đã chống trả, dùng dao đâm người bảo vệ dẫn đến tử vong. Đối với hành vi này thì cần phải làm rõ khoảng cách truy đuổi, vị trí tác động để xác định động cơ, mục đích thực hiện hành vi của đối tượng. Nếu đối tượng có đủ điều kiện để bỏ trốn nhưng vẫn dừng lại để tấn công vào vùng trọng yếu của người bảo vệ dẫn đến tử vong thì có thể bị xử lý với tội giết người theo quy định tại Điều 123 Bộ luật hình sự 2015, với khung hình phạt là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Không chỉ vậy, trong vụ việc này, các đối tượng còn dùng súng để thực hiện hành vi phạm tội, theo đó, cơ quan điều tra cũng có thể xem xét, điều tra, làm rõ việc các đối tượng này sử dụng súng này là loại súng gì, có phải là vũ khí quân dụng hay không hoặc có các tính năng, đặc tính giống như một vũ khí quân dụng? Nếu có đầy đủ yếu tố cấu thành, các đối tượng này còn có thể bị khởi tố thêm tội tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự theo quy định tại Điều 304 Bộ luật Hình sự 2015 với mức phạt tù từ 01 năm đến 07 năm.

LS Việt VươngĐoàn Luật sư TP Đà Nẵng

LÊ PHI ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm