Ngày 14-5, ông Nguyễn Tiến Oánh, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần BOT cầu Bạch Đằng, cho biết kế hoạch triển khai thảm bù vênh cầu Bạch Đằng đã phải tạm dừng do trời mưa.
Ông Oánh cho biết trước đó từ 19-4, Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh đã có văn bản chỉ đạo về việc thảm bê tông nhựa bù vênh, đảm bảo êm thuận mặt cầu Bạch Đằng. Tuy nhiên, do trong tháng 4 thời tiết thất thường, có lúc có mưa rào, mưa phùn nên chưa thể thi công.
Cầu Bạch Đằng phải lùi việc sửa chữa bù vênh mặt cầu do trời mưa
Sau khi họp bàn với các đơn vị tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế cùng nhà thầu, Công ty cổ phần BOT cầu Bạch Đằng thống nhất triển khai thi công bù vênh mặt cầu từ 14 đến hết 30-5. Nhà thầu thi công là Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và xuất nhập khẩu 168 Việt Nam đã huy động máy móc, thiết bị về công trường sẵn sàng thi công bù vênh mặt cầu Bạch Đằng.
Tuy nhiên, sáng 14-5, do trời mưa khá to nên việc triển khai sửa chữa phải tạm lui lại cho tới khi điều kiện thời tiết thuận lợi. Theo ông Oánh, trong qúa trình thi công, Công ty cổ phần BOT cầu Bạch Đằng sẽ chỉ đạo nhà thầu, tư vấn giám sát thực hiện đầy đủ quy định về an toàn lao động, vệ sinh môi trường, triển khai điều tiết giao thông đảm bảo thông suốt.
Dự án cầu Bạch Đằng dài 5,4 km, nối TP Hải Phòng với Quảng Ninh. Tổng mức đầu tư hơn 7.200 tỉ đồng theo hình thức BOT. Trong đó, hạng mục cầu dây văng Bạch Đằng dài 700 m, gồm bốn nhịp dây văng với ba trụ tháp hình chữ H có chiều cao 100 m, cao độ thông thuyền 48,4 m, mặt cắt ngang toàn cầu 25 m. Cầu Bạch Đằng và đường cao tốc Hạ Long-Hải Phòng được thông xe chính thức ngày 1-9. Cầu bắt đầu thu phí từ 15-10 với mức 35.000-180.000 đồng/lượt.
Tuy nhiên, sau khi đi vào hoạt động cầu Bạch Đằng đã xuất hiện tình trạng mấp mô bề mặt. Tháng 11-2018, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh và cơ quan chức năng đã tổ chức họp giải quyết sự cố mấp mô cầu Bạch Đằng, tuy nhiên, tới thời điểm này mới có phương án và kế hoạch sửa chữa chính thức.