Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel hôm 5-5 đã kêu gọi tịch thu các tài sản của Nga bị đóng băng do các lệnh trừng phạt mà phương Tây nhằm vào Moscow để phân bổ chúng cho việc tái thiết Ukraine, đài RT đưa tin.
“Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng việc tịch thu những tài sản bị phong tỏa của Nga là cực kỳ quan trọng, sử dụng chúng cho việc tái thiết đất nước (Ukraine). Cá nhân tôi thấy kế hoạch này rất thuyết phục” - ông Michel nhấn mạnh.
Ông Michael cho biết ông đã nói với Hội đồng về đề nghị này để có thể tìm ra “một số ý tưởng khả thi về giải pháp pháp lý phù hợp với các nguyên tắc của chính quyền các nước, tạo điều kiện cho việc tịch thu tài sản của những người bị EU (Liên minh châu Âu) hoặc các quốc gia khác trên thế giới trừng phạt”.
“Hành động theo cách như vậy sẽ dễ làm dấy lên câu hỏi về sự công bằng, câu hỏi về công lý” - Chủ tịch Hội đồng Châu Âu nhận định. Ông thừa nhận để có thể thực hiện được đề xuất của ông là “không đơn giản xét trên bình diện pháp lý”.
Có 27 hệ thống pháp luật khác nhau trên khắp EU và ở nhiều quốc gia thành viên, vì vậy đề xuất của ông Michael cần được tòa án đưa ra quyết định mới có thể thực hiện được. “Cần có thời gian để mọi thứ được xem xét, đó là một quá trình khó khăn và lâu dài” - ông nói thêm.
Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel. Ảnh: AFP |
Lời đề nghị của Chủ tịch Hội đồng châu Âu lặp lại những ý tưởng đã được chính phủ Mỹ đưa ra trước đó. Vào cuối tháng 4, Nhà Trắng đã trình bày một loạt "đề xuất toàn diện" nhằm mục đích buộc các "nhà tài phiệt" của Nga phải chịu trách nhiệm về các sự kiện ở Ukraine.
Các đề xuất bao gồm "thiết lập một cơ quan hành chính hợp lý" có thể tịch thu các tài sản bị trừng phạt và chuyển chúng cho Kiev để "khắc phục hậu quả của chiến dịch quân sự của Nga”.
Moscow sau đó đã lên tiếng chỉ trích các kế hoạch của Mỹ và cho rằng đó “không khác hành vi chiếm đoạt tài sản tư nhân mà Mỹ đang tìm cách biện minh một cách sai trái”.
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết ý tưởng của Mỹ có thể trở thành “một tiền lệ rất nguy hiểm”, là một bằng chứng cho thấy “tất cả các giá trị được chấp nhận rộng rãi” trong lĩnh vực quyền sở hữu tư nhân, kinh tế và chính trị từ trước đến giờ “đã trở nên mỏng manh đến mức nào”.
Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine vào ngày 24-2, Mỹ, EU và một số quốc gia khác đã áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt kinh tế chưa từng có đối với Moscow.
Tài sản nước ngoài của Ngân hàng Trung ương Nga, nhiều tổ chức và doanh nhân khác của nước này đã bị đóng băng. Moscow cũng bị cắt khỏi thị trường tiền tệ quốc tế do đồng USD và đồng EUR thống trị, một loạt doanh nghiệp nước ngoài cũng tuyên bố ngừng giao dịch với Nga.