Ngày 23-11, Liên minh châu Âu (EU) vẫn chưa thống nhất được dự thảo về việc đặt ra mức trần cho dầu Nga sau cuộc họp của các thành viên diễn ra tại thủ đô Brussels (Bỉ), theo hãng tin Bloomberg.
Theo đó, Brussels đưa ra đề xuất cho mức trần dầu Nga là 65 USD/thùng. Tuy nhiên, mức giá này đã bị nhiều thành viên trong khối phản đối.
Cụ thể, Ba Lan và một số nước tại vùng biển Baltic đã từ chối mức giá trần trên và cho rằng mức giá đó là quá “hào phóng” với Nga. Còn các thành viên khác như Hy Lạp và Malta cho rằng mức trần không được dưới 70 USD/thùng.
Kích bơm dầu tại TP Sokolovka, Nga. ẢNH: BLOOMBERG |
Trong khi đó, một số nước hiện đang có các giao dịch về dầu với Nga cũng không đồng thuận với mức trần trên và muốn có thêm thời gian để giao dịch dầu với Nga.
Theo Bloomberg, cuộc thảo luận trên cho thấy rằng khối EU vẫn còn xa cách về việc thống nhất mức trần cho giá dầu Nga.
Các bộ trưởng năng lượng của EU dự kiến sẽ có 1 cuộc họp khác vào ngày 24-11 để bàn về các biện pháp “kiềm chế giá khí đốt”. Cuộc họp này sẽ có sự tham gia của Washington, theo Bloomberg.
Sáng kiến về việc đưa ra mức trần cho dầu Nga được G7 (nhóm 7 nền kinh tế lớn gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Ý, Canada, Nhật) đề xuất lần đầu tiên hồi tháng 9. Theo đó, các nước phương Tây sẽ kêu gọi tất cả các nước nhập khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ của Nga cam kết sẽ chỉ mua với mức giá bằng hoặc thấp hơn giá trần.
Theo ông Simone Tagliapietra - một thành viên cấp cao của viện nghiên cứu Bruegel ở Brussels nói với Bloomberg rằng cho dù dự thảo về mức trần dầu Nga được thông qua thì điều này vẫn không ảnh hưởng gì đến các giao dịch về dầu Nga với các đối tác.
Ông Tagliapietra nói rằng dầu Nga hiện được giao dịch ở mức chiết khấu đáng kể so với dầu Brent với mức 65 USD/thùng, nên việc thông qua mức giá trần tương tự sẽ không gây hại gì cho Nga.
Trong khi việc thống nhất mức trần giá dầu Nga vẫn chưa được thông qua, mới đây, ngày 23-11, Ủy viên về năng lượng của EU - bà Kadri Simson cho biết rằng EU đã loại bỏ việc nhập khẩu khí đốt tự nhiên của Nga bằng nhiên liệu hóa lỏng (LNG) từ các nguồn cung thay thế đáng tin cậy, theo hãng tin Reuters.
Theo Ủy ban châu Âu, từ tháng 1 đến tháng 8 năm nay, tổng khối lượng nhập khẩu khí đốt của Nga, trong đó có LNG, đã giảm hơn 39 tỉ mét khối (bcm). Trong khi đó, nguồn cung LNG từ Mỹ đến EU đã tăng hơn 80% so với năm 2021.